Có thể phát hiện tiền sản giật sớm tới 90%

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của PGS.TS Cao Ngọc Thành, trưởng nhóm nghiên cứu cụm công trình công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số” của trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) sau khi cụm công trình này được trao giải Nhất trong Lĩnh vực Y dược Nhân Tài Đất Việt 2017.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và GS Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam trao giải thưởng cho GS.TS Cao Ngọc Thành (ngoài cùng bên trái) cùng cộng sự (Ảnh: Việt Hưng)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và GS Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam trao giải thưởng cho GS.TS Cao Ngọc Thành (ngoài cùng bên trái) cùng cộng sự (Ảnh: Việt Hưng)

Ngay sau khi được vinh danh tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Cao Ngọc Thành về cụm công trình có ý nghĩa rất lớn trong mục tiêu nâng cao chất lượng dân số Việt.

Xin chúc mừng GS.TS Cao Ngọc Thành và các cộng sự đã dành giải Nhất trong lĩnh vực Y được. Được biết, cụm công trình khoa học đoạt giải hôm nay gồm có 3 công trình là “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý Tiền sản giật – Sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng”; công trình “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp điều trị vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi cho vùng miền Trung và Tây Nguyên” và công trình “Nghiên cứu tình hình nhiễm Human Papilloma Virus (HPV) sinh dục và tổn thương cổ tử cung của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế và đề xuất giải pháp phòng chống”. Vậy GS tâm đắc nhất với công trình nào trong số 3 nghiên cứu trên?

Bản thân tôi là một bác sĩ sản phụ khoa, nhiều năm làm công tác này, thường xuyên tiếp xúc với các bệnh lý, tai biến sản khoa.

Mặc dù hiện nay chúng ta đã đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ được WHO công nhận nhưng một số tai biến vẫn tồn tại và thực sự khó để có thể giảm thiểu.

Trong thời gian vừa qua, bệnh lý tiền sản giật và sản giật thường phát hiện muộn và khi đã có bệnh lý rồi, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà còn gây biến chứng lâu dài.

Do đó, cần tư vấn để tiền sản giật nhẹ thì không trở nặng, nếu nặng thì không để sản giật. Vì khi đã sản giật, thai nhi có thể tử vong. Nhiều phụ nữ qua khỏi sản giật nhưng bị biến chứng suy thận, tai biến não…

Trên cơ sở như vậy, chúng tôi đã thực hiện Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý Tiền sản giật – Sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng.

Chúng tôi cố gắng tiếp cận, tìm hiểu xây dựng mô hình vừa có ý nghĩa về khoa học, có giá trị dự báo và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam.


Ảnh: Việt Hưng

Ảnh: Việt Hưng

Hiện nghiên cứu này đã được ứng dụng rất hiệu quả tại bệnh viện ĐH Y dược Huế và được đánh giá cao về tính ứng dụng trên toàn quốc. Vậy ứng dụng này sẽ có ý nghĩa như thế nào với bà mẹ - trẻ em cũng như chất lượng dân số nếu được triển khai trên toàn quốc thưa Giáo sư?

Mặc dù Tổng cục Dân số đã phát triển các trung tâm sàng lọc trẻ sơ sinh, xây dựng mạng lưới để chuyển mẫu xét nghiệm đến Trung tâm… nhưng nếu áp dụng mô hình đã được xây dựng trong nghiên cứu sẽ giảm thiểu rất nhiều bệnh lý tiền sản giật – góp phần nâng cao chất lượng dân số và sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Dựa trên các chỉ báo, là các tiền căn của mẹ như huyết áp, phù, protein niệu; sử dụng thêm siêu âm dopler, chỉ số sinh hóa và sinh học phân tử, chúng tôi thành lập mô hình dự báo.

Khi kết hợp mô hình dự báo này và thực hiện sàng lọc sớm (11-13 tuần thai) sẽ giúp phát hiện sớm (trước tuần thai thứ 20) 90% trường hợp tiền sản giật, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Chúng tôi cũng ứng dụng kỹ thuật di truyền, tìm hiểu biến dị di truyền gen bởi việc tìm hiểu bệnh nguyên mới có thể có hướng dự phòng lâu dài.

Và để dự phòng tiền sản giật, chúng tôi đánh giá phác đồ aspirin liều thấp hiện rất hiệu quả trong khi chi phí lại rất rẻ.

Xin cảm ơn GS. Cao Ngọc Thành về cuộc trò chuyện này!

Cụm 3 công trình nghiên cứu nhiều năm, đa dạng về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Cụm công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số” của trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) do GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược làm trưởng nhóm bao gồm 3 công trình.

Trong đó, công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý Tiền sản giật – Sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng” là Đề tài độc lập cấp Nhà nước được nghiệm thu loại Xuất sắc, có quy mô nghiên cứu lớn nhất được công bố tại Việt Nam

Công trình “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp điều trị vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi cho vùng miền Trung và Tây Nguyên” là Đề tài cấp Bộ trọng điểm xếp hạng Tốt.

Công trình “Nghiên cứu tình hình nhiễm Human Papilloma Virus (HPV) sinh dục và tổn thương cổ tử cung của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế và đề xuất giải pháp phòng chống” là Đề tài cấp Tỉnh xếp hạng Xuất sắc.

Trong đó, công trình cấp Nhầ Nước hướng đến nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng cho phụ nữ toàn quốc về Tiền sản giật – Sản giật – bệnh lý thường gặp và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vọng mẹ và thai nhi trong thai kỳ.

Công trình cấp Bộ đã áp dụng các cách đánh giá, chấn đoán vô sinh do vòi tử cung – phúc mạc, áp dụng phẫu thuật nội soi điều trị nối thông vòi tử cung, gỡ dính và/hoặc tái tạo loa vòi, theo dõi và đánh giá kết quả điều trị bằng tình trạng vòi tử cung và tình trạng có thai sau mổ cho phụ nữ vùng miền Trung & Tây Nguyên.

Công trình cấp tỉnh hướng đến phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm HPV sinh dục nữ cho người dân và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi phương pháp VIA để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, nơi điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

Trần Phương (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm