Việt Nam chủ động sàng lọc, dự phòng hiệu quả tiền sản giật ở thai phụ
(Dân trí) - Lần đầu tiên, một nghiên cứu chuyên sâu với các kỹ thuật tiên tiến về tiền sản giật - sản giật đã được thực hiện tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ hạn chế được những tác động của bệnh lý này trên các thai phụ nhờ khả năng ứng dụng trong các cơ sở y tế trên cả nước.
Tiền sản giật - Sản giật: Tai biến sản khoa nguy hiểm nhất
Mặc dù ngành Y tế Việt Nam nói chung, ngành Sản phụ khoa Việt Nam nói riêng đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là một trong những nước đạt được những mục tiêu Thiên niên kỷ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em) nhưng Tiền sản giật - Sản giật tại Việt Nam vẫn là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm nhất. Những phụ nữ có bệnh lý này thường đến bệnh viện muộn, giai đoạn đã có bệnh lý rồi.
Trong khi đó, những nghiên cứu về mặt bệnh nguyên (nguyên nhân sinh bệnh) của Sản giật – Tiền sản giật vẫn có nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Trên thế giới, ở những trung tâm có các phương tiện nghiên cứu hiện đại về sinh học phân tử di truyền, người ta đã có đề cập đến một số biến dị di truyền liên quan đến gen của người mẹ có thể xuất hiện các bệnh lý tiền sản giật.
Xuất phát tình hình như thế, nhóm tác giả trường ĐH Y Dược Huế đã tập trung nghiên cứu mô hình dự báo bệnh, nghiên cứu quy trình chuẩn xác định biến dị di truyền và biểu hiện mRNA ở một số gen liên quan và nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị dự phòng.
Phát hiện đột biến gen chính gây tiền sản giật ở thai phụ Việt
Trong thời gian nghiên cứu, công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý Tiền sản giật – Sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng” của trường đã đã thực hiện sàng lọc, theo dõi cho gần 3.500 thai phụ tuổi thai từ 11-13+6 tuần thai kỳ.
Kết quả đã xây dựng được mô hình dự báo có tỷ lệ phát hiện Tiền sản giật phát triển trước 34 tuần lên đến 81,8%, tỷ lệ phát hiện Tiền sản giật phát triển sau 34 tuần là 45,6% chỉ với tỷ lệ dương tính giả 5%, kết quả sàng lọc tỏ ra vượt trội so với các phương pháp sàng lọc truyền thống.
Đáng chú ý nhất trong đề tài này chính là tìm hiểu liên quan đột biến G1691A và đa hình M235T với Tiền sản giật. Theo đó, đã phát hiện người mang gen đột biến G1691A có nguy cơ mắc Tiền sản giật cao gấp 29,04 lần và đột biến này có liên quan với mức độ nặng của bệnh.
Nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan giữa tỷ số SERPINE1 mRNA/GAPDH mRNA, là biểu hiên của gen có nguồn gốc rau thai, với bệnh lý Tiền sản giật và đã thiết lập được phương trình hồi quy logistic có giá trị dự báo Tiền sản giật dựa vào 2 tỷ số FLT-1 mRNA và SERPINE1 mRNA so với gen chứng cho tỷ lệ phân loại đúng của mô hình là 91,18%.
Đây là những nội dung nghiên cứu rất chuyên sâu và lần đầu tiên thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam bằng các kỹ thuật tiên tiến, là tiền đề để nghiên cứu các biến chứng thai kỳ trong đó có Tiền sản giật bằng sàng lọc trước sinh không xâm lấn.
Có thể dự phòng tiền sản giật hiệu quả tại Việt Nam
Trên cơ sở khả năng dự báo sự hình thành Tiền sản giật tại thời điểm 11-13+6 tuần thai kỳ, đề tài đã thực hiện thử nghiệm (ngẫu nhiên, có nhóm chứng) về hiệu quả dự phòng Tiền sản giật bằng aspirin liều thấp và bổ sung canxi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy can thiệp aspirin liều thấp làm giảm 69% tỷ lệ Tiền sản giật. Trong khi bổ sung canxi làm giảm 49% tỷ lệ Tiền sản giật.
Như vậy, nghiên cứu khẳng định có thể tiếp cận điều trị dự phòng bệnh lý Tiền sản giật ngay ở giai đoạn sớm trong thai kỳ trên nhóm đối tượng nguy cơ cao phát triển bệnh được xác định bằng mô hình phối hợp nhiều yếu tố dự báo. Đây là phác đồ đầu tiên được đưa ra dựa trên dữ liệu nghiên cứu chính thức trên quần thể thai phụ tại Việt Nam.
Được biết đây là đề tài với quy mô nghiên cứu lớn nhất được công bố tại Việt Nam, kết quả đề tài có thể ứng dụng được trong các cơ sở y tế trong nước, giúp nâng cao chất lượng sàng lọc, khám chữa bệnh cho nhân dân. Vì xác định sớm nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao phát triển tiền sản giật trong thai kỳ với tính chính xác cao, qua đó có chiến lược dự phòng và quản lý phù hợp, hạn chế được những tác động của bệnh lý đến thai kỳ.
“Chúng tôi mong muốn qua đây sẽ đề xuất các kết quả nghiên cứu đến các cấp có thẩm quyền, Bộ Y tế, Hội Sản phụ khoa Việt Nam để áp dụng các kết quả trên với các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em sơ sinh, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh lý Tiền sản giật - Sản giật ở thai phụ trên toàn quốc” - GS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) tâm huyết bày tỏ.
Đại Dương