Có thể phát hiện mầm mống ung thư từ rất sớm nhờ tầm soát
(Dân trí) - Với 14,1 triệu ca mắc mới, 8,2 triệu người tử vong mỗi năm, ung thư là nỗi ám ảnh của toàn nhân loại. Tuy nhiên, có thể phát hiện mầm mống bệnh từ rất sớm bằng các phương pháp tầm soát hiện đại.
Ung thư là gì?
Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào. Khi bị kích thích bởi các tác nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách vô hạn, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể. Những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi khác (di căn). Các tế bào ung thư rối loạn và gây ảnh hưởng đến hệ thống mô và cơ quan đó, cuối cùng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Hiện nay có khoảng 200 loại ung thư khác nhau. Bệnh ung thư có thể phát sinh từ bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Tên mỗi loại ung thư thường được gọi theo vị trí phát bệnh. Một số loại ung thư khá thường gặp hiện nay là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư đại - trực tràng, ung thư gan, ung thư vòm họng...
Có nhiều nhân tố tác động gây ung cơ ung thư trong đó chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể, gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân này thường không thay đổi được. Ngược lại, có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh có liên quan đến yếu tố môi trường sống. Trong đó bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không an toàn, hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn, yếu tố liên quan nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường…
Tại sao cần phải phát hiện sớm ung thư?
Ung thư là bệnh lý ác tính không trừ một ai. Mặc dù bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng hiện nay độ tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa dần, người trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư mất một thời gian dài để hình thành và phát triển. Nếu thực hiện các phương pháp tầm soát có thể phát hiện sự thay đổi của tế bào - tiền ung thư - ung thư giai đoạn sớm, và điều trị hiệu quả.
Các triệu chứng thường không xuất hiện ở giai đoạn đầu. Do vậy, đa số các trường hợp phát hiện bệnh muộn, tỷ lệ tử vong cao.
Hầu hết các bệnh ung thư có cơ hội điều trị thành công nếu phát hiện ở giai đoạn sớm
Tất cả các loại ung thư đều có thể chữa khỏi nếu người bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm. Càng phát hiện sớm thì tỉ lệ thành công và nâng cao chất lượng sống càng cao.
Chẳng hạn:
- Ung thư vú: 93%
- Ung thư cổ tử cung: 93%
- Ung thư da: 97%
- Ung thư đại trực tràng: 90%
- Ung thư buồng trứng: 94%
- Ung thư tuyến giáp: 98%
- Ung thư tuyến tiền liệt: 98%
- Ung thư tinh hoàn: 98%
Ngay cả các bệnh ung thư nguy hiểm khác như: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vòm họng cũng có thể chữa khỏi nếu như phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu.
Phát hiện mầm mống ung thư bằng cách nào?
Có thể phát hiện ung thư từ "trứng nước" bằng các phương pháp tầm soát ung thư. Tầm soát ung thư là thực hiện các xét nghiệm đặc biệt nhằm tìm ra ung thư ở giai đoạn sớm, giúp điều trị thành công.
Các phương pháp giúp phát hiện ung thư sớm có thể bao gồm: xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), nội soi thăm dò chức năng… và sinh thiết nếu phát hiện có khối u.
Tùy vào từng bộ phận, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cần thiết, chẳng hạn như:
- Ung thư phổi: xét nghiệm Cyfra 21-1, CA 19-9, chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực…
- Ung thư cổ tử cung: xét nghiệm Pap Smear, xét nghiệm HPV… (phát hiện sự thay đổi của tế bào, từ đó điều trị sớm và có thể ngăn ngừa ung thư)
- Ung thư đại trực tràng: xét nghiệm CEA, tìm máu trong phân, nội soi đại trực tràng (phát hiện được polyp và loại bỏ, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư)…
- Ung thư vú: xét nghiệm CA 15-3, CA 125, siêu âm tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú…