1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có thể lây Covid-19 từ tay người lấy mẫu xét nghiệm hay không?

Minh Nhật

(Dân trí) - Có không ít người bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm, trong trường hợp nhân viên y tế vô tình lấy mẫu cho một F0 sau đó lại tiếp tục lấy mẫu cho nhiều người khác.

Hà Nội đang triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng. Tại mỗi điểm, công suất lấy mẫu xét nghiệm có thể lên hơn 1.000 mẫu/ngày.

Tuy nhiên, cũng có không ít người bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm, trong trường hợp nhân viên y tế vô tình lấy mẫu cho một F0 sau đó lại tiếp tục lấy mẫu cho nhiều người khác.

Về vấn đề này, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua bề mặt là có nhưng rủi ro không cao như con đường lây qua giọt bắn. Trong thực tế, lây nhiễm chéo Covid-19 qua bề mặt thường xảy ra ở môi trường bệnh viện, nơi có mật độ bệnh nhân đông.

Có thể lây Covid-19 từ tay người lấy mẫu xét nghiệm hay không? - 1

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế tối đa nguy cơ, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên y tế sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chống lây nhiễm.

"Nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Trong quá trình lấy mẫu, găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn sau mỗi lần lấy mẫu là điều bắt buộc", ông Tuấn cho hay.

Trong chiến dịch xét nghiệm diện rộng, theo ông Tuấn, CDC Hà Nội cũng đã yêu cầu nhân viên y tế tại các quận, huyện khi làm nhiệm vụ lấy mẫu phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn. Đồng thời, CDC Hà Nội có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản…

Tuy nhiên, khi thực hiện lấy mẫu cho một số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên y tế quên quy trình chuẩn. Trong tình huống này, người dân có quyền giám sát, nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu thực hiện đúng các nguyên tắc phòng chống lây nhiễm.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân khi đi lấy mẫu xét nghiệm cần trang bị khẩu trang đầy đủ. Bên cạnh đó, cần tuân thủ quy định về giãn cách.

Ngay sau khi triển khai thực hiện đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên, với việc lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 300.000 người, thành phố tiếp tục triển khai đợt 2, cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao.

13 nhóm nguy cơ cao bao gồm: nhân viên giao hàng; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Tổng số mẫu theo kế hoạch xét nghiệm là 856.422 mẫu trong đó: 64.999 mẫu trong khu vực phong tỏa; 416.330 mẫu thuộc các khu vực nguy cơ và 375.093 mẫu thuộc đối tượng nguy cơ. Tính đến 16h chiều 21/8, toàn thành phố đã lấy được 788.106 mẫu đạt 92% so với kế hoạch. Tổng số mẫu đã được xét nghiệm 383.357 mẫu, trong đó số mẫu dương tính là 49, số mẫu âm tính là 383.308 và số mẫu chưa có kết quả là 404.749.

49 mẫu dương tính gồm 4 mẫu thuộc đối tượng sinh sống trong khu vực phong tỏa đều ở Đồng Xuân, Hoàn Kiếm; 45 mẫu là người sinh sống trong khu vực nguy cơ, bao gồm: Đống Đa (21), Hoàng Mai (13), Hoài Đức (6), Hà Đông (5).