Có hay không miến nhuộm phẩm màu?

Thời gian vừa qua, nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo lắng về việc có hay không chất nhuộm phẩm màu trong miến và loại miến nhuộm phẩm đó ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Ngày 16/11, nhóm PV Lao động đã có chuyến đi “mục sở thị” làng nghề sản xuất miến ở Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội.

Có hay không miến nhuộm phẩm màu?  - 1

Những sợi miến có màu vàng nghệ được tẩm phẩm màu, trong khi miến mộc chỉ có màu trắng đục. Ảnh: Hải Nguyễn


Muốn có miến màu gì chỉ cần cho phẩm màu

 

Chúng tôi có mặt tại xã Dương Liễu vào tầm 10h sáng, hình ảnh đầu tiên nhóm PV ghi nhận được là những đống dong (nguyên liệu chính làm miến) tràn ngập dọc đường làng do đang vào “vụ” miến.

 

Theo sự hướng dẫn của một anh nhân viên an ninh xã Dương Liễu, chúng tôi vào một số cở sở làm miến tại xóm Gia là xóm tập trung nhiều cơ sở sản xuất nhất của xã, hầu hết các hộ ở đây đều “sinh nhai” bằng nghề này.

 

Ấn tượng nhất khi đến xóm này là cái mùi chua, ngai ngái từ những bể bột dong bốc lên tại mỗi xưởng sản xuất, chưa kể đến mùi hôi thối từ những cống rãnh đen ngòm, ứ đọng chất thải từ làng nghề này.

 

Hầu hết, mỗi hộ gia đình đều có từ 3-4 thùng phuy sắt lớn, mỗi bể một màu từ trắng, vàng đến hồng, vàng chanh, xanh…

 
Có hay không miến nhuộm phẩm màu?  - 2

Rất nhiều thùng phuy lớn trong mỗi xưởng để đựng tinh bột chế biến thành miến. Ảnh: Hải Nguyễn
 
Thấy PV, người trong làng rất cảnh giác dù chúng tôi có đi cùng một anh an ninh xã. Hầu hết họ đều cho biết chủ cơ sở đi vắng nên công nhân trong xưởng không “dám” tiết lộ bất cứ một điều gì.

 

Một chủ xưởng làm miến (xin được giấu tên) khẳng định, tại cơ sở của chị chỉ làm hai loại miến màu trắng và màu vàng nghệ. Màu vàng nghệ là do được nhuộm bằng mật mía, đun đen và sánh giống kẹo đắng, sau đó hòa với nước và đổ vào bột, khuấy đều lên rồi chế biến thành miến. Chị này còn tiết lộ, các hộ sản xuất miến tại đây cạnh tranh nhau rất gay gắt nên mỗi xưởng có một công thức chế biến miến cũng như pha màu sắc khác nhau.

 

Tuy nhiên, tại hầu hết các cơ sở sản xuất không hề dùng mật mía để nhuộm màu cho miến như lời của một chủ xưởng miến nói mà mà chủ yếu sử dụng phẩm màu để nhuộm miến.

 

Thắc mắc vì sao bột củ dong là màu trắng, khi chế biến ra lại có nhiều màu sắc bắt mắt như vậy, một công nhân chừng 15 tuổi tại một cơ sở khác “buột miệng”: “Cái này là do nhuộm bằng phẩm màu nên mới có nhiều màu”. Tuy nhiên khi PV ngỏ ý muốn xem phẩm màu đó như thế nào thì công nhân này e ngại và tỏ vẻ đề phòng.

 

Vào thăm một số sản xuất miến thì đều nhận được câu trả lời, miến có nhuộm phẩm màu thực phẩm, tuy nhiên khi yêu cầu xem mẫu phẩm màu thì đều bị họ từ chối.

 

Trong vai người đi xem hàng để lấy hàng về bán vào dịp tết, chúng tôi đến một xưởng chỉ có hai công nhân đang ngồi bó miến. Hai công nhân này vui vẻ tiếp lời: “Ở đây, muốn đặt mua miến màu nào cũng được, chỉ cần cho phẩm màu vào là sẽ có miến màu đó”. Tuy nhiên, khi biết là PV đến tìm hiểu, hai công nhân này lập tức khẳng định, công việc pha phẩm màu là do chủ xưởng làm nên các công nhân không thể biết phẩm màu đó là loại gì!?

 

Sử dụng nhiều hóa chất để làm miến trong
 
Có hay không miến nhuộm phẩm màu?  - 3

Một thùng phuy tinh bột đã được nhuộm màu. Ảnh: Hải Nguyễn

 

Khi hỏi đến chuyện phẩm màu đó có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng không, hầu hết công nhân tại các xưởng làm miến đều khẳng định phẩm màu này an toàn, không gây hại gì đến sức khỏe.

 

Hầu hết công nhân làm việc tại đây đều cho biết, nếu phẩm màu này có tác hại thì người dân sống quanh đây đều đã mắc bệnh hết rồi.

 

Theo tìm hiểu của PV, ngoài phẩm màu nhuộm trong miến, tại các cơ sở làm miến còn sử dụng một loại axit (chưa rõ tên), thuốc tím, axit sunfuaric dùng để khử những tạp chất trong miến. Những thợ làm tại đây cho biết, nếu không cho những chất đó vào miến sẽ không thể có màu trong và sạch được.

 

Ông Ngô Văn Thắng, trưởng thôn xóm Gia cho biết, tại xã có khoảng 200 hộ/300 hộ làm miến, trung bình mỗi ngày các hộ sử dụng 1 tạ thuốc tím trong sản xuất miến. Ông cũng khẳng định, khi cho những chất này vào tinh bột làm miến thì chất bẩn sẽ nổi lên trên, tinh bột lắng xuống dưới, tráng qua 4-5 lượt nước thì sẽ không còn độc hại nữa!?

 

Cách đây hơn 10 năm, gia đình cũng làm nghề miến thủ công, một cán bộ tại xã Dương Liễu chia sẻ: “Những năm trước, miến chỉ có một màu trắng hơi đục, bây giờ miến có đủ màu từ xanh, đỏ đến vàng, trắng, chỉ có phẩm màu thì mới được như vậy, và chị cũng không yên tâm khi sử dụng loại miến đó”.

 

Còn chị Hồ Thị Huê, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, ngày trước miến có mục trắng đục, hơi tái, bây giờ miến có nhiều màu sắc là do nhuộm phẩm màu, tuy nhiên trước đây Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra mẫu miến và cho biết tỷ lệ thuốc tẩy vừa phải, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

 

Nhiều người dân ở đây khẳng định, họ sản xuất miến có màu sắc chủ yếu do đơn đặt hàng từ khách, còn người trong làng chỉ sản xuất miến trắng, màu thật của tinh bột.

 

Anh T, một người dân tại xã Dương Liễu bức xúc: “Chúng tôi cũng không muốn sử dụng phẩm màu trong miến, tuy nhiên, người mua hàng muốn có màu này, màu kia mới mua nên chúng tôi bắt buộc phải làm thế, nếu không sẽ không bán được hàng”.

 

Thực tế cho thấy, miến nhuộm phẩm màu là có thật, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào kiểm tra để làm rõ phẩm màu dùng nhuộm miến là loại phẩm màu gì có được Bộ Y tế phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Để giải tỏa những lo lắng của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần sớm hành động cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt Tết Nguyên Đán sắp đến, miến là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm cúng tổ tiên.

 

Theo Tuệ Chi

Lao động