Cô gái trải qua 23 lần phẫu thuật trở thành tân sinh viên Đại học Y Hà Nội
(Dân trí) - Từ năm lớp 8, sau 2 năm bị tai nạn trong tình trạng nghiêm trọng, phải dùng vải che vùng nội tạng hở khi đưa đến viện, cô bé Nguyễn Anh Nhi (Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) đã có ước mơ mãnh liệt nhất định trở thành bác sĩ. Trải qua 23 lần phẫu thuật, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, cô bé đã được cứu sống kì tích, trở thành tân sinh viên Đai học Y Hà Nội.
Kỳ tích 23 ca phẫu thuật "sửa chữa" tổn thương sau tai nạn
Năm 2011, khi đang là học sinh lớp 6, sau giờ tan trường, cô bé Nguyễn Anh Nhi, ở Cẩm Thủy, Thanh Hoá bị xe tải tông trúng.
Sau cú tông trời giáng, Nhi nằm bất động, máu chảy lênh láng, vùng bụng trợt hở nghiêm trọng. Thấy cô bé còn thoi thóp thở, mọi người xung quanh đã đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Ngọc Lặc rồi chuyển tiếp ra Bệnh viện Việt Đức.
"Lúc ấy, không ai nghĩ con có cơ hội qua khỏi, chỉ cầu mong phép màu", chị Ngọc, mẹ Anh Nhi nhớ lại.
Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ chẩn đoán cô bé bị dụng dập và mất toàn bộ tổ chức thành bụng, đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất rất nhiều máu trong ổ bụng. Chấn thương vô cùng nghiêm trọng, tiên lượng xấu, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ xuyên đêm, kéo dài đến sáng hôm sau với hy vọng có thể cứu được cô bé.
Anh Nhi (bên phải) với những ngày tháng vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa cặm cụi học hành đã đạt được ước mơ, thi đỗ Đại học Y Hà Nội.
May mắn sau ca phẫu thuật, Anh Nhi dần hồi tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng cô bé thời điểm đó các bác sĩ cũng không biết giải quyết như thế nào, khi mà em mất hoàn toàn thành bụng. Các sĩ phải đặt miếng gạc lên bụng để che tạm các cơ quan nội tạng bên trong rồi tiếp tục chăm sóc.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, người đã trực tiếp điều trị cho Nhi chia sẻ, cô bé đã phải trải qua 23 cuộc phẫu thuật, thậm chí có sự hội chẩn của chuyên gia Mỹ, Đài Loan... nhưng các bác sĩ đánh giá việc cứu sống và phục hồi rất khó khăn.
"Việc bệnh nhân bị mất toàn bộ thành bụng khiến việc chăm sóc và sửa chữa là điều không tưởng. Nhưng bằng sự kì diệu, các bác sĩ cứ từng ngày kiên trì điều trị cho bệnh nhi. Từ chỗ đắp gạch che thành bụng, dần dần có thêm các vật liệu mới là miếng lưới để che phủ nội tạng cho Nhi và đã có hiệu quả", PGS Chính nói.
Sau 8 năm điều trị, chăm sóc, tổ chức hạt đã mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ. Tuy nhiên thành bụng này không hề có cơ, cân.. và những thành phần giữ như cấu tạo thành bụng thông thường. Hiện tạo.
Ước mơ thành hiện thực
Chị Phạm Thị Ngọc, mẹ Anh Nhi chia sẻ, với gia đình, con sống sót được đã là kì tích. Sau khi từ bệnh viện trở về nhà, không được đến trường với chúng bạn, mặc con lúc nào cũng trầm buồn.
Khi anh chị quyết tâm đưa con trở lại trường học, học chậm với các bạn một năm, con thì vui nhưng lòng bố mẹ rối bời, mọi người đều khuyên nhủ con ốm yếu, nên để con ở nhà.
"Khi từ bệnh viện trở về nhà, từ cô bé nặng 30kg, con chỉ còn 17kg, đi lại rất yếu. Để đến trường, bố mẹ phải bế con lên xe, bế vào lớp học. Rồi suốt một năm đầu tiên trở lại trường, bố ngày có mặt tại trường 4 lần để giúp con xử lý hậu môn nhân tạo. Hành trình vô cùng gian nan", chị Ngọc chia sẻ.
"Con ngồi học mà dây dợ đầy mình, nhưng con quyết tâm lắm, bố mẹ cũng động viên con, rằng mình vẫn may mắn hơn những người khác khi họ không may đã không thể tiếp tục sống trên cõi đời".
Trong suốt quá trình học, Anh Nhi liên tục phải nghỉ để đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khám, mổ theo lịch hẹn của bác sĩ.
Nhi Còi "bé hạt tiêu" so với chúng bạn nhưng đã nỗ lực không ngừng vượt qua rất nhiều giới hạn để trở thành tân sinh viên Đại học Y Hà Nội.
"Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, ở trường. Em nhờ thầy cô, các bạn gửi bài tập qua facebook để tự học tại viện, lên mạng học theo hướng dẫn. Trong suốt thời gian nằm viện, em được các bác giúp đỡ, quan tâm nên rất xúc động. Không biết từ lúc nào, ước mơ trở thành bác sĩ cứ lớn dần lên trong em, em muốn mình trở thành bác sĩ để giúp đỡ những người như em", Anh Nhi tâm sự.
Cô bé cho biết thêm, bạn bè đặt cho em biệt danh là "Nhi còi". Đến trường làm thủ tục, chẳng ai nghĩ em học trường Y vì bé hạt tiêu nặng 30kg.
"Em ở Hà Nội được 5 ngày rồi, rất hồi hộp, mong chờ sang tuần tới để chính thức bước chân vào giảng đường đại học. Mẹ em ngày nào cũng gọi vài ba lần vì lo lắng cho con gái. Em muốn nói với mẹ: "Con ổn. Các bạn ở đây học cũng rất giỏi, nhưng con cũng sẽ quyết tâm để dù là Nhi Còi nhưng sẽ không thua kém chúng bạn", Anh Nhi chia sẻ.
Hồng Hải