Có dấu hiệu bùng phát dịch đau mắt đỏ

(Dân trí) - Ngành y tế dự phòng đã cảnh báo, sau lũ lụt, bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ bùng phát mạnh. Thực tế trong 2 tuần qua qua, tại Hà Nội đã có rất nhiều người mắc bệnh lý về mắt, trong đó xác định hơn 500 người bị đau mắt đỏ.

Lây lan nhanh

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các TT y tế, các bệnh viện có chuyên khoa mắt trên địa bàn Hà Nội, trong 2 tuần qua đã có hàng nghìn bệnh nhân bị các bệnh về mắt đến khám. Trong đó có hơn 500 ca được xác định là đau mắt đỏ.

Nguyên nhân khiến căn bệnh này có dấu hiệu lây lan nhanh, đó là do điều kiện vệ sinh kém sau lũ lụt, người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết: "Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn, vi rút gây ra. Vì thế, căn bệnh này có tốc độ lây lan rất nhanh và dễ dàng, đến mức nhiều người cho rằng, chỉ nhìn vào mắt người bị bệnh mình cũng đã bị lây.

Nguyên nhân của sự lây lan là do vi rút có nhiều trong mắt, dử mắt của người bệnh. Người lớn chỉ cần vô ý dùng tay dụi mắt, rồi quên không rửa xà phòng lại tiếp tục sờ mó vào các vật dụng để trong nhà là có thể lây bệnh cho người khác.

Triệu chứng chính là cộm mắt, ngứa, cảm giác có dị vật trong mắt, chảy nước mắt và có nhiều rỉ mắt, mắt đỏ. Đôi khi sáng ngủ dậy, dử mắt làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Bệnh hay bắt đầu từ một mắt, sau đó vài ba ngày đến mắt thứ hai…Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to. Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ không để lại biến chứng cho mắt. Ngược lại sẽ gây loét, xước giác mạc khiến người bệnh rất khó chịu.

Không dụi mắt và dùng chung đồ cá nhân

Vì vi rút có nhiều trong nước mắt, dử mắt của người bệnh nên quan trọng nhất trong phòng bệnh là không nên dụi mắt và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Có thể giảm cảm giác ngứa, cộm bằng cách chườm gạc lạnh nhiều lần trong ngày.

Khi nước mắt bị chảy ra, người bệnh nên dùng một khăn mặt sạch để thấm nước. Sau đó, cần giặt, phơi khô ngoài nắng. Cũng tuyệt đối không nên dùng chung chậu rửa mặt để tránh vi rút có thể lây lan cho người khác.

Để phòng bệnh đau mắt đỏ, cần phải biết giữ gìn vệ sinh đôi mắt. Khi đi đường bụi phải đeo kính. Khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, hóa chất, nước hồ bơi, dùng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt...

Người bệnh cần có ý thức không nên sờ mó vào mắt đau, không bắt tay người khác, không dùng chung khăn mặt... Khi bị bệnh, cũng không nên tới những nơi công cộng như bể bơi, trường học.

BS Vũ Tuệ Khanh, khoa Kết - Giác mạc Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết: Nhiều người quan niệm sai lầm rằng nhìn vào mắt người bệnh sẽ bị lây. Do vậy, họ tự ý thức trang bị cho mình kính đen để phòng bệnh. Người bệnh thì yên tâm sẽ không truyền bệnh cho người khác, người lành bệnh thì cũng tự an ủi đã có kính bảo vệ nhưng thực sự đeo kính không có hiệu quả phòng bệnh đau mắt đỏ.

Nhất là khi làm việc trong môi trường công sở, có sử dụng điều hòa nhiệt độ thì nguy cơ lây bệnh càng cao. Vì khi bị đau mắt đỏ, người bệnh liên tục bị chảy nước mắt, có dử mắt nên khó tránh khỏi việc dụi mắt, dùng khăn thấm… Sau đó, họ lại dùng tay mở nắm cửa, sử dụng chung máy móc làm việc, điện thoại, bấm nút cầu thang nên dễ lây bệnh cho người khác.

Khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa mắt để có chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý. Tránh một số trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc về nhỏ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cũng không nên xông mắt bằng lá trầu không, tinh dầu bạc hà vì sức nóng của nó sẽ làm mắt bị đau, đỏ hơn.

Trong gia đình có người bị bệnh, mọi người cũng nên thường xuyên rửa mắt bằng muối sinh lý nhưng không được dùng chung lọ người bệnh đã nhỏ, tránh nguy cơ lây lan qua đầu nhỏ.
 
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cấp 1 triệu lọ thuốc nhỏ mắt cho người dân các vùng ngập lụt nặng như Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Thạch Thất….
 
Hồng Hải