1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có 3 dấu hiệu này hãy nhập viện ngay vì rất dễ đột quỵ

Hồng Hải

(Dân trí) - PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu dưới đây, đừng chậm trễ nhập viện vì nguy cơ đột quỵ rất cao.

Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình 50 ca nhập viện mỗi ngày, có những ngày cao điểm, đơn vị tiếp nhận gần 60 người bệnh.

Tuy nhiên, quá nửa bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong tình trạng rất nặng nề, qua giờ vàng của can thiệp, do người dân không có thói quen đi cấp cứu khi có dấu hiệu ban đầu.

Có 3 dấu hiệu này hãy nhập viện ngay vì rất dễ đột quỵ - 1

PGS.TS Mai Duy Tôn khám cho một bệnh nhân đột quỵ (Ảnh: T.A).

"Bởi khi mới đột quỵ biểu hiện nhẹ nên người bệnh chủ quan chờ xem có hồi phục không; nghĩ là cảm gió, hoặc dùng thuốc theo truyền miệng, đến khi nặng lên, đưa đến viện đã qua giai đoạn tối ưu để điều trị", PGS Tôn nói.

Dưới đây là 3 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:

- Liệt mặt: Mặt không cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống, đặc biệt khi bệnh nhân nói cười. 

- Yếu tay chân: Yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay lên cao, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường. Bệnh nhân không nhấc được tay, chân hoặc nhấc lên khó khăn, một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. 

- Nói khó: Hãy yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu bệnh nhân nói không lưu loát, đó là dấu hiệu bất thường.

"Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất", PGS Tôn khuyến cáo.

PGS Tôn cho biết, ngày nay có rất nhiều phương pháp điều trị đột quỵ. Khả năng hồi phục cho người bị đột quỵ phụ thuộc nhiều vào việc điều trị sớm. "Thời gian vàng để làm tan cục máu đông trong vòng từ 4 đến 6 giờ. Nếu chậm hơn, tuần hoàn máu không lưu thông có thể dẫn đến vùng não đó bị hoại tử.

Hiện có những phương pháp mới, cho phép mở rộng điều trị với bệnh nhân đột quỵ trong 24 giờ đầu, tuy nhiên, càng được điều trị trong thời gian vàng, khả năng hồi phục càng cao.

PGS Tôn cho biết, đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, người có bệnh nền huyết áp, mỡ máu, tiểu đường... Với những yếu tố huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc... đột quỵ cũng có nguy cơ xảy ra ở người trẻ.

Trên thực tế, số lượng người trẻ dưới 45 tuổi nhập viện vì đột quỵ ngày càng có xu hướng gia tăng.

Vì thế, PGS Tôn đưa ra 3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác như sau:

- Mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.

- Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường….

- Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…. ) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao.