Chuyện về nữ điều dưỡng trưởng của bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng
(Dân trí) - Hai tháng Đà Nẵng "gồng mình" chống dịch Covid-19 cũng là 2 tháng điều dưỡng Đặng Thị Công phải xa gia đình, lao vào cuộc chiến, "truyền cảm hứng" cho đồng nghiệp những ngày căng mình chống dịch.
Người "truyền cảm hứng" giữa tâm dịch
Chúng tôi gặp lại điều dưỡng Đặng Thị Công (sinh 1972, Trưởng phòng điều dưỡng, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang) trước ngày chị đi nhận Giải thưởng Tỏa sáng Blouse trắng năm 2020 của TP Đà Nẵng nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Vẫn ánh mắt thân thiện, chạy như thoi giữa công việc, chị là người "truyền cảm hứng" cho các đồng nghiệp ở bệnh viện, đặc biệt là những ngày căng mình chống dịch Covid-19 vừa qua.
Nhắc đến những ngày chị cùng các đồng nghiệp cũng như cả TP Đà Nẵng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cả nước, chị Công không khỏi xúc động.
"Đợt dịch thứ 2 bắt đầu từ ngày 24/7, khi đó có một số đoàn của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy đến khảo sát để xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngày 29/7, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang chính thức được chọn làm bệnh viện dã chiến. Trung tâm y tế huyện Hòa Vang với vai trò là một bệnh viện tuyến huyện, không điều trị bệnh nặng và chưa bao giờ điều trị bệnh Covid-19, là một điều dưỡng trưởng, tôi không thể không lo lắng. Tuy nhiên, lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm cách nào để cùng lãnh đạo bệnh viện, các đồng nghiệp sớm đưa bệnh viện vào hoạt động, góp phần vào công tác phòng chống dịch Covid-19", điều dưỡng Đặng Thị Công nhớ lại.
100% bệnh nhân Covid-19 đều không có người nhà, vì vậy công việc chăm sóc, ăn uống, vệ sinh… cho bệnh nhân đều do nhân viên y tế lo hết. Các điều dưỡng vừa làm công tác điều trị vừa làm công tác hậu cần để phục vụ cho bệnh nhân.
Công việc của chị Công thường bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào lúc 6h chiều nhưng có thời điểm bệnh nhân đông lên gần 200 người, nhiều hôm 9-10h đêm mới được nghỉ.
Nếu chỉ làm việc bằng trách nhiệm không, chưa đủ. Chị Công cũng như các điều dưỡng ở đây đã làm việc bằng cả tình yêu thương đối với bệnh nhân, coi bệnh nhân như người nhà mới có thể hoàn thành được công việc của mình.
"Nhiều lúc làm việc rất mệt nhưng mỗi lần bệnh nhân âm tính lần 1, âm tính lần 2, chúng tôi rất vui. Và hạnh phúc hơn nữa là những giây phút các bệnh nhân được ra viện, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục làm việc, tiếp tục cố gắng", chị Công tâm sự.
Những lần bệnh viện làm lễ công bố bệnh nhân khỏi Covid-19, chị Công luôn có mặt, lúc thì dìu một bệnh nhân cao tuổi, lúc thì bế các cháu nhỏ hoặc có khi chị lên xe đưa bệnh nhân về tận nhà.
Hai tháng Đà Nẵng "gồng mình" chống dịch Covid-19 cũng là 2 tháng chị Công phải xa gia đình, lao vào cuộc chiến. Bận bịu không có thời gian để gọi về nhà, nhiều lúc chồng con gọi đến chị cũng không có thời gian để nghe.
"Nhiều lúc chỉ kịp nhìn mặt nhau một tý, biết ổn là được rồi chứ không có thời gian để nói nhiều", chị Công nói và cảm ơn gia đình đã động viên, chia sẻ với chị để chị hoàn thành tốt công việc.
Những ngày đầu, công việc nhiều, làm việc kiệt sức, một số điều dưỡng muốn bỏ cuộc, chị lại động viên mọi người cùng cố gắng vượt qua. "Cố lên, cố lên, rồi chúng ta sẽ vượt qua" - là câu nói mà chị thường nói để cổ vũ các đồng nghiệp.
"Chúng tôi đã chiến thắng"
Với chị Công, giây phút chào đón thiên thần bé nhỏ chào đời trong điều kiện đặc biệt của dịch bệnh là thời khắc căng thẳng, lo lắng nhưng cũng là hạnh phúc nhất.
Sản phụ N.T.N.A (trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mắc Covid-19 khi đang mang thai tuần thứ 35. Sau khi vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang được 2 tuần, sản phụ A. có dấu hiệu chuyển dạ. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho hai mẹ con, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt cháu bé. Ca mổ được thực hiện thành công ngay trong đêm với trong niềm hạnh phúc vô bờ của các y bác sĩ nơi đây.
"Điều kỳ diệu là cháu bé không bị lây bệnh Covid-19 từ mẹ. Hầu hết các ra viện đều có kết quả kết nghiệm cuối buổi chiều. Khi nghe tin hai mẹ con sản phụ được ra viện, tôi rất là mừng, cảm giác như chính người thân của mình vậy", chị Công nhớ lại.
Ngày bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của bệnh viện xuất viện, kết thúc đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 của Đà Nẵng cũng là thời khắc để lại trong chị nhiều cảm xúc khó quên.
"Lúc đó tôi đang thực hiện cách ly sau khi làm xong nhiệm vụ. Nghe tin bệnh nhân cuối cùng xuất viện, tôi đã òa khóc. Đó là những giọt nước của sự sung sướng, hạnh phúc bởi chúng tôi đã chiến thắng", chị nhớ lại.
Theo chị Công, hình ảnh các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… không quản ngại khó khăn xông pha vào tâm dịch khiến chị vô cùng xúc động. Với chị, các bác sĩ ấy mới chính là những người hùng, những người "truyền cảm hứng" cho chị và các đồng nghiệp trong cuộc chiến chống Covid-19.
Dịch bệnh được khống chế, trở lại đón các bệnh nhân thông thường, chị Công lại tất bật với công việc của một điều dưỡng trưởng.
BS CKII Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoa Vang cho biết, quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, các điều dưỡng là những người vất vả nhất bởi phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.
"Với vai trò là điều dưỡng trưởng, chị Đặng Thị Công đã truyền được cảm hứng, tình yêu thương, trách nhiệm của mình đến các đồng nghiệp, để vượt qua khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt công tác phòng, chống dịch", bác sĩ Vĩnh nói.