Chuyện kể lại nơi tuyến đầu chống dịch và một cái Tết đặc biệt
(Dân trí) - Gia Lai bùng phát dịch Covid - 19 vào những ngày giáp Tết và những chiến sỹ "áo trắng" nhận lệnh lên đường mà chưa biết ngày về. Mỗi ngày, mỗi giờ họ đều "căng mình" để truy vết, dập dịch.
Nhà chỉ vài cây số nhưng những "người lính" nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã phải gác lại tình cảm gia đình riêng tư, không khí đoàn viên, ấm áp bên người thân trong những ngày Tết để hết mình vì nhiệm vụ. Với niềm tin nhanh chóng "đuổi" được dịch, hàng ngàn bác sĩ, chiến sĩ công an xông pha nơi tuyến đầu, luôn có mặt từng phút giây trong cuộc chiến gian nan. Khi Gia Lai cơ bản đã khống chế được dịch thì họ mới trở về sau một cái Tết đặc biệt ở nơi tuyến đầu chống dịch.
Xuyên Tết chống dịch vì nhân dân
Tỉnh Gia Lai bùng phát dịch Covid - 19 vào những ngày cận Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Tại các vùng có dịch như thị xã Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện công tác truy vết, khoanh vùng dịch phải tính bằng phút nhằm đảm bảo không cho dịch lan rộng. Từ những lực lượng y tế địa phương, cấp xã, thôn đã căng mình truy vết. Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo hỗ trợ thêm hàng trăm cán bộ, bác sỹ xuống vùng có dịch để hỗ trợ công tác khám chữa bệnh, truy vết, khoanh vùng kịp thời, nhanh nhất có thể.
Trong lúc người dân đang quân quần bên mâm cơm giao thừa thì những cán bộ, y tế nơi tuyến đầu chống dịch vẫn "xuyên đêm" đến từng hộ dân để điều tra dịch tễ nhằm khoanh vùng, dập dịch triệt để. Lúc này, những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm làm việc để đảm bảo kiểm soát người, phương tiện, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Tết đến, nhưng ai cũng xác định không sum vầy cùng người người thân đón tết, bản thân sẽ cắm chốt, làm nhiệm vụ.
Nhà dược sĩ Phạm Thị Hà Ni (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) chỉ cách nơi làm việc là Trạm Y tế xã Ia Rtô vài km nhưng đã gần 1 tháng qua chị chưa được về thăm gia đình. Công việc hàng ngày của chị là phối hợp với các bộ phận khác trực 24/24 trên tuyến quốc lộ 25 để tổ chức đo thân nhiệt, giúp người dân qua lại chốt thực hiện khai báo y tế, kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ, nghi nhiễm.
Vì dịch bệnh mà gia đình chị Hà Ni phải ly tán 3 nơi. Trước đó, chồng chị đến huyện Ia Pa thăm người thân, khi địa phương này xuất hiện ca dương tính thì anh không thể về nhà do bị cách ly bất đắc dĩ. Bản thân chị khi nhận nhiệm vụ đột xuất cũng chỉ kịp vơ vội mấy bộ quần áo rồi dắt 2 đứa con gái sang gửi nhà ngoại. Đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi, chưa từng một lần xa hơi ấm mẹ cứ ôm chặt lấy chị, nhất quyết không buông. Những đêm đầu bé không chịu ngủ với ngoại, nửa đêm còn bắt bà gọi điện đòi mẹ dỗ dành. Mỗi lần thấy con, nước mắt chị lại giàn giụa. Mẹ con, bà cháu cùng khóc.
"Thấy người dân những vùng không có dịch bệnh đón Tết trong không khí gia đình đoàn viên, mình buồn lắm. Nhưng được các anh, chị cùng cảnh ngộ động viên, rồi cuốn theo công việc bận rộn nên tâm trạng cũng dần ổn định. Đêm giao thừa thì 12 người ở chốt đều có mặt. Cũng chuẩn bị bánh chưng, thịt và bánh mứt, sau đó ai nấy tranh thủ đón giao thừa với gia đình mình qua… điện thoại. Sau khoảnh khắc đó, mọi người lại nhận lệnh đến từng nhà để điều tra dịch tễ", chị Hà Ni chia sẻ.
Đã gần 32 năm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến) đón một cái Tết đầy cảm xúc. Trước đây, việc trực đêm giao thừa hay trong những ngày Tết là chuyện bình thường, nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, đây là trải nghiệm khó quên đối với ông.
"Nhận Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, vào ngày 30 Tết thì Bệnh viện Dã chiến đã bắt đầu đi vào hoạt động. Gần 50 người làm việc trong bệnh viện đều căng mình để cùng đón bệnh nhân. Giờ khắc giao thừa họ đều dùng tai để lắng nghe lời chúc Tết nhưng tay vẫn phải làm việc. Sau hơn 1 tháng, họ vẫn ở đây cùng cách ly bệnh nhân và làm tròn trọng trách của một người bác sỹ.", bác sỹ Phúc tâm sự.
Niềm vui đoàn viên và đón cái Tết muộn
Những cán bộ, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch phải luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từng giờ khi tiếp xúc với hàng trăm người về từ vùng dịch. Động lực lớn nhất của họ chính là niềm mong mỏi đoàn viên lúc nào cũng thường trực.
Ngày 25/2, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản dỡ bỏ phong tỏa tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Sau gần 1 tháng trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại các huyện: Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, đoàn công tác gồm 114 cán bộ bác sỹ, y sỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về TP. Pleiku.
Đoàn công tác 114 người gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc hệ dự phòng, xét nghiệm, điều trị có mặt tại 4 địa phương có dịch là huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa ngay từ những ngày tỉnh Gia Lai xuất hiện ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2. Họ là những người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, tham gia vào công tác khoanh vùng, cách ly, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm với mục tiêu cao nhất là khống chế dịch bệnh càng sớm càng tốt.
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ về lại TP. Pleiku, đoàn cán bộ, y-bác sĩ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày tại Khách sạn Tre Xanh (TP. Pleiku) và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 theo đúng quy định. Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh đã bố trí tất cả các điều kiện cần thiết để đoàn nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe trong thời gian cách ly 14 ngày. Trong thời gian này, nếu cần phải thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch thì họ sẽ tiếp tục lên đường, xông pha nơi tuyến đầu.
Tại nơi vùng có dịch, dược sĩ Hà Ni không khỏi vui mừng. "Tôi và chồng luôn theo dõi tình hình dịch bệnh, hồi hộp chờ đợi từng giờ, từng phút trôi qua. Khi có lệnh gỡ chốt kiểm dịch, tôi liền lao nhanh về nhà. Vừa về đến nơi, tôi đã ôm 2 con khóc một trận cho thỏa nỗi nhớ thương. Chồng tôi cũng trên đường từ huyện Ia Pa trở về, gia đình tôi đã chờ đợi thời khắc đoàn viên này từng phút giây. Dù tiếp tục cách ly tại nhà, tôi xem đây là cơ hội bên gia đình, người thân, bù đắp cho khoảng thời gian chúng tôi xa nhau vì nhiệm vụ trong những ngày qua", dược sĩ Hà Ni xúc động nói.
Bác sỹ Phúc tâm sự: "Dịch đã được khống chế. Nhưng mừng hơn là có 7 bệnh nhân nhiễm Covid - 19 được xuất viện sau 5 lần liên tiếp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Các ca còn lại đều có sức khỏe ổn định, nhiều trường hợp cho kết quả âm tính lần 3. Đây chính là niềm vui, hạnh phúc để tôi và các đồng nghiệp yên tâm, tiếp tục chiến đấu vì sức khỏe người bệnh".