Phòng chống dịch trong trường học: Sáng tạo bất ngờ từ thầy, trò
Phòng chống dịch Covid-19, thầy trò ở Đồng bằng sông Cửu Long đã sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Có sản phẩm được áp dụng trong công tác phòng chống dịch tại nhà trường và cộng đồng.
"Sổ nhật ký nghỉ Tết" nâng ý thức phòng dịch
Nằm ở vùng biên giới Campuchia, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang có sáng kiến "Sổ nhật ký nghỉ Tết" được giáo viên, học sinh, phụ huynh ủng hộ.
Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường yêu cầu tất cả 486 học sinh ghi "Sổ nhật ký nghỉ Tết". Khi trở lại học tập, các em nộp cho trường để phục vụ công tác phòng dịch. Theo thầy Nguyễn Thanh Tùng, hiệu trưởng nhà trường, học sinh về nhà ăn Tết trong thời gian dài, địa bàn rộng, tiếp giáp với biên giới nên công tác phòng dịch phải chuẩn bị chu đáo.
Trong Sổ nhật ký, học sinh ghi rõ thời gian, địa điểm theo từng ngày (đi đâu, đi với ai), sau đó sẽ nộp cho nhà trường trước ngày học. Nếu có học sinh nào tiếp xúc, đi đến hoặc có nguy cơ lây nhiễm, nhà trường sàng lọc để có bước ứng phó, phòng chống.
Theo thầy Tùng, đây là giải pháp vừa phục vụ công tác phòng dịch, vừa nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho học sinh, phụ huynh. Có Sổ nhật ký, các em sẽ ý thức hơn trong việc đi lại, tiếp xúc và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Ngày 22/2 học sinh toàn tỉnh An Giang trở lại trường, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT An Giang đã thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm túc và an toàn. Đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh, phòng dịch khu vực nội trú của học sinh, bếp ăn, sinh hoạt, học tập…
Trường cũng chuẩn bị các phương án để dạy học trong tình hình mới, đặc biệt là dạy học trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thầy, trò góp sức chống dịch
"Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", bên cạnh việc dạy học online, thầy trò nhiều trường học còn sáng tạo các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch. Một số sản phẩm được ứng dụng tại cơ sở giáo dục và cộng đồng.
Bằng sự sáng tạo của mình, em Bùi Kim Lợi, học sinh lớp 9, Trường THCS Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) chế tạo thành công "Máy lấy dung dịch rửa tay không tiếp xúc". Sản phẩm của em vừa đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng TP Cần Thơ.
Theo Kim Lợi, chiếc máy được em chế tạo từ ý tưởng phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng. Thường mọi người muốn lấy dung dịch rửa tay phải chạm trực tiếp vào chai chứa dung dịch. Ðiều này tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh, nhất là khi chai chứa dung dịch rửa tay đặt ở nơi đông người. Chiếc máy này giúp mọi người hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan bệnh.
Ðể lấy dung dịch rửa tay mà không cần tiếp xúc với chai đựng dung dịch, Kim Lợi sử dụng các linh kiện điện tử được thiết kế theo hướng cảm biến vật cản, mô đun ngắt mở nguồn điện hẹn thời gian và bộ nguồn biến đổi dòng điện.
Theo đó, quá trình lấy dung dịch chỉ cần đưa tay làm vật cản tại vị trí mắt hồng ngoại của cảm biến. Hiện sản phẩm được tiếp tục cải tiến, khắc phục một số nhược điểm để tham dự cuộc thi cấp toàn quốc. Chiếc máy này được ngành Giáo dục địa phương xem xét bố trí tại các trường học.
Thầy Đặng Văn Đạo và Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (Hậu Giang) cũng chế tạo thành công "Thiết bị hỗ trợ rửa tay không tiếp xúc". Thiết bị này được đưa vào sử dụng tại nhà trường phục vụ cán bộ, giáo viên, học sinh trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thiết bị của thầy Đạo và thầy Liêm giúp thao tác rửa tay không phải tiếp xúc vào bất cứ vật dụng nào, kể cả việc lấy xà phòng rửa và bật van vòi nước. Điểm sáng tạo của thiết bị chính là sự tiện lợi, nhanh gọn, linh động, dễ di chuyển, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc các vật dụng dùng chung.
Thiết bị còn có hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền lợi ích của việc rửa tay, diệt khuẩn, phòng tránh sự lây nhiễm dịch Covid-19.
Theo thầy Đạo, thiết bị này giúp học sinh phòng chống dịch bệnh. Các bồn rửa tay tuy đã được bố trí nhiều nhưng việc tiếp xúc chung vào xà phòng, van nước sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lây truyền dịch bệnh. Thầy đã bàn với thầy Liêm chế tạo ra một bồn rửa tay mà tất cả hoạt động đều tự động, như vậy sẽ an toàn cho sức khỏe học sinh…
Để góp phần phòng chống dịch Covid-19, các giảng viên Trường ĐH Trà Vinh cũng nghiên cứu, đưa vào ứng dụng thiết bị đo thân nhiệt tự động từ xa bằng nhiệt kế điện tử có cảnh báo qua giọng nói tích hợp vòi phun dung dịch sát khuẩn.
Thiết bị này bảo đảm khoảng cách an toàn cho nhân viên y tế khi làm việc, giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm. Thiết bị được nhân rộng để đưa vào sử dụng tại cổng chính của trường, Bệnh viện ĐH Trà Vinh, ký túc xá và Trường Thực hành sư phạm ĐH Trà Vinh …