Chuyên gia nói gì về đề xuất "người tiêm đủ 2 mũi vắc xin được phép đi lại"
(Dân trí) - Gần đây có ý kiến đề xuất cho những người đã tiêm 2 mũi vắc xin được phép đi lại, làm việc. Các chuyên gia cho rằng việc tiêm vắc xin là nhằm bảo vệ cho cá nhân, không phải giấy thông hành đi lại.
Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 thì được phép đi lại, tham gia các hoạt động như thế nào. Trước đó, một số chuyên gia cũng cho rằng nên cho người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được phép đi lại, tham gia sản xuất kinh doanh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết khi hết giãn cách xã hội thì việc tạo điều kiện cho người dân đi làm là chuyện phải làm. Mỗi cơ quan có tỷ lệ đội ngũ nhân viên nhất định không thể ở nhà hoặc những cơ quan hành chính, dịch vụ công cũng phải có người phục vụ. Trong trạng thái bình thường mới, những người đã được tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được ưu tiên hơn những người đã được tiêm một mũi hoặc chưa tiêm.
Tuy nhiên, cần phải xác định tiêm 2 mũi vắc xin là giúp bản thân họ nếu không may nhiễm SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít trở nặng. Tỷ lệ tử vong ở những người này theo các báo cáo khoa học là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi.
"Song người đã tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng", Thứ trưởng Sơn nói.
"Vì thế, dù có ưu tiên đi làm dịch vụ thì những người đã tiêm hai mũi vắc xin vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho cộng đồng", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nếu nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây bệnh cho người khác
Chung quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết chúng ta cần hiểu vắc xin phòng Covid-19 là loại vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh và mức độ miễn dịch bền vững như thế nào, kéo dài được bao lâu...
Thậm chí, nghiên cứu mới đây của CDC Mỹ cho thấy, nồng độ virus của một số người đã tiêm vắc xin và những người chưa tiêm vắc xin khi bị nhiễm cao như nhau. Điều này nghĩa là khả năng lây lan cho người khác là như nhau.
Song có một điều chắc chắn việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giúp giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Theo TS Phu, điều đó có nghĩa, với người tiêm đủ liều vắc xin thì cơ bản là bảo vệ cho cá nhân không mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, người đó vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) và do đó vẫn là nguồn lây cho người khác.
Bộ Y tế hiện cũng chưa có quy định riêng với người đã tiêm đủ liều vắc xin.
"Việc tiêm vắc xin hiện nay chỉ có tác dụng bảo vệ được cá nhân người đó, nhưng chưa ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cho cộng đồng (đạt được miễn dịch cộng đồng) thì ít nhất 70% dân số được tiêm vắc xin", TS Phu phân tích.
Trong khi đó, hiện nay nước ta chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì thế, người chưa được tiêm vẫn có nguy cơ bị lây bệnh từ người đã tiêm đủ vắc xin khi tiếp xúc, nếu như người này nhiễm SARS-CoV-2. Đồng thời, người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm thấp thì có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch.
Tiêm vắc xin chưa có miễn dịch bảo vệ cộng đồng trên phương diện cả nước
Theo TS Phu khi các tỉnh, thành phố hoặc khu vực nào đó đã được tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng thì nên có quy định riêng để người đã tiêm vắc xin được trở lại cuộc sống bình thường. Chẳng hạn, TPHCM, Hà Nội hay Bình Dương…, khi đã tiêm đủ hai mũi vắc xin cho tất cả người dân, thì xây dựng quy định về đi lại, phương án sản xuất, kinh doanh... không chỉ cho người dân tại các thành phố này, mà còn cho những người đã tiêm vắc xin từ nơi khác đến đây.
Tuy nhiên, cũng cần có quy định cho người từ nơi có tỷ lệ tiêm cao này đến nơi có tỷ lệ tiêm thấp, nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn cho người chưa tiêm, tránh bùng phát dịch tại nơi có tỷ lệ tiêm thấp.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin của cả nước cũng như các địa phương còn thấp, mới chỉ đạt miễn dịch bảo vệ các cá nhân được tiêm, chứ chưa tạo được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, nếu "mở cửa" TS Phu cho rằng phải tính toán để tránh việc những người đã tiêm nhưng nhiễm virus, rồi lây lan cho người chưa tiêm. Những người chưa tiêm nếu bị nhiễm sẽ mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao.
Một chuyên gia dịch tễ tại Hà Nội cũng cho rằng người tiêm 2 mũi vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây cho người khác vì thế việc cho phép đi lại là vô nghĩa. "Hộ chiếu vắc xin nội địa" nên có với mục đích thúc đẩy người dân đi tiêm vắc xin để giảm tải cho hệ thống y tế, chứ không phải để đi lại. Việc tiêm vắc xin ở đây là nhằm bảo vệ cho chính họ, còn để đạt được tác dụng phòng bệnh cho cộng đồng thì phải đạt tỷ lệ tiêm cao, 70% dân số.
Theo CDC Hoa Kỳ, các biến thể trước đây thường tạo ra ít virus hơn trong cơ thể của những người đã được tiêm phòng đầy đủ bị nhiễm so với những người không được tiêm. Ngược lại, biến thể Delta dường như tạo ra một lượng virus cao như nhau ở cả những người chưa được tiêm và đã được tiêm đầy đủ nếu như họ bị nhiễm SARS-CoV-2.
Vì vậy, dù đã tiêm đủ liều vắc xin, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của cơ quan chức năng về cách ly, giãn cách xã hội và tuân thủ 5K.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay tổng số liều vắc xin đã được tiêm trên cả nước là hơn 22 triệu liều, trong đó hơn 3,2 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.
Hà Nội và TPHCM hiện là hai địa phương được phân bổ số lượng vắc xin nhiều nhất, tỷ lệ phân bổ vắc xin/tổng số phân bổ cả nước tương ứng là gần 15% và hơn 31%. Tỷ lệ đã tiêm ít nhất một mũi trên dân số (người từ 18 tuổi trở lên) của 2 TP tương ứng là hơn 54% và hơn 89%.