Chuyên gia hướng dẫn tăng cường đề kháng ngăn ngừa Covid-19
(Dân trí) - Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW, trước sự xâm nhập của mầm bệnh, nếu có sức đề kháng tốt sẽ giảm nguy cơ nhiễm bệnh, khi nhiễm bệnh cũng nhẹ hơn người có sức đề kháng kém.
Thông tin trên được BS Cấp chia sẻ bên lề buổi tọa đàm “Các biện pháp chủ động phòng dịch Covid-19 – Tăng sức đề kháng” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo BS Cấp, trong dịch Covid-19 cũng vậy, nếu sức đề kháng tốt, cơ thể chống đỡ tốt sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, nếu mắc cũng giảm nguy cơ nhiễm thêm các mầm bệnh khác ngoài Covid-19. Việc tăng cường đề kháng giảm nguy cơ nhiễm bệnh, giảm nguy cơ diễn biến nặng.
Đặc biệt, ở những đối tượng dễ nhạy cảm với dịch bệnh, việc tăng cường sức đề kháng vô cùng quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy, những người có sẵn các bệnh lý giảm sức đề kháng như người tiểu đường, suy thận khi bị Covid-19 diễn biến nặng hơn. Ngoài diễn biến nặng do Covid, diễn biến bệnh nền của bệnh nhân cũng nặng hơn, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm thêm các loại vi khuẩn, nấm… nên toàn trạng sẽ nặng hơn rất nhiều.
Vì thế, ở nhóm đối tượng nhạy cảm đặc biệt này, người có sức đề kháng yếu, có sẵn các bệnh nền, các bệnh mãn tính khác cần tuân thủ tốt các phương pháp phòng bệnh để tránh nguy cơ nhiễm Covid-19.
BS Cấp khuyến cáo, để nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, trước hết mỗi người cần đảm bảo chế độ sinh hoạt điều độ, hạn chế tình trạng kiệt sức quá mức.
Bên cạnh đó, đảm bảo miễn dịch tại chỗ rất quan trọng. “Ví dụ như bạn ở trong môi trường khô quá, lạnh quá có thể khiến niêm mạc đường hô hấp tổn thương, giảm sức đề kháng tại chỗ, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Lúc này, hãy hạn chế tình trạng khô bằng cách làm ẩm không khí, hạn chế lạnh bằng cách tránh lạnh”, BS Cấp nói.
Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cũng cần hạn chế hành vi như sử dụng rượu bia, người hút thuốc lá…Ở những người uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá khi mắc Covid-19 nguy cơ diễn biến nặng hơn.
Về vấn đề tăng sức đề kháng, BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng chế độ ăn cân bằng được khuyến cáo cho tất cả mọi người nhằm duy trì một sức khỏe ổn định. Theo đó, cần có sự cân bằng giữa các nhóm thức ăn giàu đạm, các chất béo, tinh bột và các vi chất.
Riêng về vi chất, các nghiên cứu gần đây đã chứng minh vitamin C, D, kẽm là những vi chất có ích trong dự phòng bệnh Covid-19.
Với những người bệnh đái tháo đường tuýp 2 và suy thận mạn cần tuân thủ các điều trị duy trì hiện áp dụng, và tham vấn các bác sĩ đang điều trị cho mình để có chế độ dinh dưỡng hợp lí nhất.
Đối với rất nhiều loại bệnh tật, đặc biệt là những bệnh liên quan đến vi khuẩn, virus, vai trò của hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh cực kỳ quan trọng, là yếu tố quyết định. Trong phòng lây nhiễm, vũ khí tối thượng mà chúng ta có là hệ miễn dịch của chính mình. Tất cả các biện pháp đang được khuyến cáo như mang khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc... sẽ hạn chế khả năng virus này xâm nhập vào cơ thể; còn khi nó đã xâm nhập rồi, chỉ có hệ miễn dịch tốt mới giúp loại trừ tác nhân gây bệnh.
Vì thế, bên cạnh việc đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc mầm bệnh, dùng nước rửa tay, nước súc miệng, dung dịch thuốc nhỏ mắt, mũi,... để rửa trôi và loại trừ mầm bệnh, mỗi người cần tự tăng sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi phù hợp.
Các chuyên gia nhấn mạnh, dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, số người lây nhiễm và nghi ngờ lây nhiễm tăng cao mỗi ngày. Các trường hợp tử vong có liên quan Covid-19 đều rơi vào đối tượng người cao tuổi, người sức khỏe yếu, có nhiều bệnh lý nền như suy tim, suy thận, ung thư máu …Đây là nhóm người có sức đề kháng yếu, dễ lây nhiễm virus nhưng khó điều trị.