1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia cập nhật kiến thức mới nhất về điều trị tim mạch

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Hội nghị Tim mạch Quốc tế Thăng Long kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Tim mạch Hà Nội cuối tuần qua, hơn 100 báo cáo trong đó nhiều báo cáo từ các nước Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á đã được công bố.

Nhân dịp 30 năm thành lập, Hội Tim mạch Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội và Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị Tim mạch Quốc tế Thăng Long vào ngày 30/7. Hội nghị có sự tham dự của GS.TS. Phạm Gia Khải - Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Chủ tịch danh dự Hội Tim mạch Hà Nội, GS.TS. Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; ông Nguyễn Khắc Hiền, Thành ủy viên, Giám đốc SYT Hà Nội

Hơn 2.000 đại biểu tham dự đã toả về 6 hội trường để cùng trao đổi về những vấn đề cấp thiết liên quan đến lĩnh vực tim mạch.


GS.TS Phạm Gia Khải phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Phạm Gia Khải phát biểu tại hội nghị.

Về điều trị bằng thuốc, báo cáo Phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp và Tiếp cận điều trị tăng huyết áp nặng do PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, BV Tim Hà Nội, trình bày gây được chú ý bởi giúp các nhà chuyên môn giải đáp được câu hỏi: “Phối hợp thuốc hay tăng liều?”. Đó là khi điều trị huyết áp HA 1 loại thuốc hay 2 loại thuốc không hiệu quả thì việc phối hợp liều (3 loại thuốc) sẽ giúp tăng hiệu quả kiểm soát HA lên gấp 5 lần so với tăng liều đồng thời lại giảm được các tác dụng phụ do dùng thuốc.

Cũng liên quan đến điều trị tăng huyết áp, báo cáo Tần số tim tăng cao ở bệnh nhân Tăng huyết áp của GS.TS Phạm Gia Khải lại đặt ra vấn đề quản lý nhịp tim trong điều trị tăng huyết áp. Bởi 51 công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh nhịp tim ở người trên 60 tuổi trên 85nhịp/phút sẽ làm tăng nguy cơ đột tử, nhịp tim trên 100 nhịp/phút sẽ làm tăng tỉ lệ nhập viện và tử vong nhiều hơn. Do đó, bác sĩ cần chú ý giảm nhịp tim xuống dưới mức 85 sẽ giúp điều trị huyết áp và bệnh động mạch vành hiệu quả.

Đáng chú ý là các báo cáo chuyên đề liên quan đến vấn đề suy tim do các tác giả đến từ Mỹ như GS.BS Thạch Nguyễn với báo cáo Hỏi bệnh sử và khám lâm sàng cho bệnh nhân suy tim và GS.BS Advait Soni - GS.TS Huỳnh Văn Minh, ĐH Y Huế với báo cáo Cập nhật điều trị suy tim theo ACC và ESC 2016 được đánh giá cao về tính ứng dụng.

Đặc biệt, báo cáo Giải pháp thúc đẩy phát triển ghép tim ở Việt Nam của PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, bệnh viện Việt Đức, đã phản ánh 1 nghịch lý “người bệnh sẵn sàng bỏ 2 tỉ chữa ung thư ở Singapore để sống được 3 tháng nhưng lại không muốn bỏ 1 tỉ để ghép tim”. Theo đó, có tới 15 bệnh nhân từ chối ghép tim do vấn đề kinh tế.

Hậu quả là những ca được giới thiệu đi ghép tim thường đã quá nặng; tỉ lệ ghép tim rất thấp, chỉ đạt 43% (13 ca ghép tim tại Việt Đức trong 5 năm qua). Trong khi tỉ lệ ghép thận là 100%, ghép gan là 93% trên tổng số 40 ca hiến tạng chết não.


PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhận quyết định công nhận tư cách pháp nhân cho Hội Tim mạch Hà Nội do Chủ tịch UBND TPHN ký

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn nhận quyết định công nhận tư cách pháp nhân cho Hội Tim mạch Hà Nội do Chủ tịch UBND TPHN ký

Nhận xét về các hoạt động của Hội Tim mạch Hà Nội, GS Phạm Gia Khải đánh giá: “Từ năm 2013, PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã đứng ra phụ trách, tổ chức lại bộ máy của Hội. Trên cơ sở đó, đã tập hợp được đông đảo đồng nghiệp không những trong ngành, mà còn được sự ủng hộ hữu hiệu của nhiều cấp lãnh đạo thành phố cũng như Trung ương. Chúng ta đã tìm hiểu và thấy sự cần thiết phải tổ chức nhiều lớp nâng cao nghiệp vụ tim mạch sao cho công tác xứng tầm với mong mỏi của nhân dân Thủ đô”.

Trần Phương

Email: tranthuphuong@dantri.com.vn