1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia cảnh báo mối nguy chết người vì uống nhầm hóa chất ở trẻ em

(Dân trí) - Mới đây nhất, một em bé 14 tháng tuổi (Hưng Yên) đã trải qua những ngày điều trị thập tử nhất sinh do bị suy hô hấp vì uống nhầm dung dịch dầu. Dù bé chỉ uống ngụm dầu nhỏ nhưng bệnh nhi phải áp dụng phương pháp điều trị hiện đại nhất, tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) bác sĩ mới cứu được mạng sống của trẻ.

Nguy kịch chỉ vì một ngụm dầu

TS. BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Nhi Trung ương) chia sẻ về ca bệnh, mà đến giờ các bác sĩ mới dám thở phào vì đã cứu được tính mạng của bé sau những ngày điều trị căng thẳng.

Trước đó, hôm 13/9, bé P.M.H (14 tháng, Hưng Yên) được chuyển từ BV tỉnh đến BV Nhi Trung ương do bé uống nhầm dầu.

Chai dầu đặt ngay trong tầm với, dưới góc nhà khiến bé H nghĩ là đồ uống được nên đã uống.
Chai dầu đặt ngay trong tầm với, dưới góc nhà khiến bé H nghĩ là đồ uống được nên đã uống.

Theo người thân của bé chia sẻ, bé H. thấy chai đựng Parafin dựng ở góc nhà và uống dung dịch trong đó. Ngay sau khi uống, bé bị sặc dầu và ho liên tục. Bé được người nhà cấp tốc đưa vào bệnh viện trong tình trạng khó thở, tím tái, suy hô hấp nặng.

Ngay tại BV tỉnh, bé đã phải đặt nội khí quản vì khó thở, suy hô hấp nặng rồi chuyển ngay lên BV Nhi Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi viêm phổi do hít phải dầu và có dấu hiệu suy hô hấp cấp tính (ARDS).

TS Tuấn cho biết, ngay khi tiếp nhận, bệnh nhi được chuyển thẳng đến khoa Hồi sức cấp cứu, vào thở máy ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh nhi lại không đáp ứng với thở máy,cùng đó là diễn biến nặng lên khi trẻ xuất hiện suy đa tạng: suy hô hấp cấp tính, suy tuần hoàn, và được điều trị theo phác đồ…

Sau 24h thở máy thông thường, tình trạng của cháu bé vẫn nguy kịch, chuyển sang dùng máy thở cao tần, lọc máu liên tục… nhưng diễn biến sức khỏe của bé vẫn tiếp tục xấu đi nhanh chóng.

“Các biện pháp cấp cứu, hồi sức tốt nhất đã được áp dụng, nhưng không đáp ứng điều trị. Diễn biến này, nguy cơ bệnh nhi tử vong là rất cao. Vì thế, chúng tôi quyết định đặt tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) để cấp cứu người bệnh.

Sau 3 ngày chạy ECMO, tình trạng sức khỏe cháu H tiến triển khả quan: phim chụp Xquang cho thấy phổi trẻ sáng dần, các chỉ số huyết áp, khí máu và nội môi của bệnh nhi trở lại bình thường, bệnh nhân được cai ECMO.

3 ngày sau cai ECMO, cháu tiếp tục được cai máy thở, hiện tại trẻ đã hoàn toàn hồi phục tự thở tốt, tỉnh táo hoàn toàn, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Tai nạn phổ biến

TS Tuấn cho biết, tai nạn uống nhầm hóa chất gặp khá phổ biến ở trẻ em. Hàng năm, khoa tiếp nhận hàng chục trường hợp trẻ nguy kịch do uống, hít nhầm hóa chất. Đa số các trường hợp rơi vào nhóm trẻ từ 1-3 tuổi.

Trước đó, khoa điều trị một bệnh nhi 3 tuổi (Hòa Bình) vì khi đi đường, bé nhặt được gói hóa chất giống đường liền ăn.

Sau khi ăn, về tới nhà môi miệng trẻ đã sưng vù, khi đến viện trong tình trạng bỏng hóa chất trầm trọng, toàn bộ vùng môi sưng nề, loét miệng, xuất tiết nhiều đờm dãi, được chẩn đoán bệnh bỏng thực quản dạ dày do ăn nhầm hóa chất (nghi là chất xút Natri hiđroxit NaOH) và nhanh chóng tiến hành nội soi thực quản dạ dày cấp cứu bệnh nhi.

Về các tai nạn uống nhầm hóa chất ở trẻ nhỏ, BS Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng nhìn nhận đây là tai nạn khá thường gặp. Tại khoa từng tiếp nhận bệnh nhi uống nhầm dầu luyn máy khâu, uống nhầm cồn. Đáng lưu ý, các loại hóa chất này đều chứa trong các vỏ chai lọ thực phẩm quen thuộc, như vỏ chai C2, vỏ chai nước lọc… khiến trẻ nhầm tưởng là đồ uống được.

Những thói quen tưởng như vô hại của người lớn, để hóa chất trong các chai lọ thực phẩm thông thường, để hóa chất trong tầm với của trẻ rất nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng của trẻ khi không may trẻ uống nhầm.

Vì thế, tuyệt đối không nên dùng bất cứ vật dụng nào có hình dáng giống với các vật dụng đựng thực phẩm quen thuộc để đựng hóa chất, thuốc men.

Hãy luôn để hóa chất, thuốc… khỏi tầm với của trẻ để ngăn ngừa nguy cơ uống nhầm rất nguy hiểm.

Hồng Hải