1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chương mới cho ‘cánh tay nối dài’ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai

Trường Thịnh Nguyễn Hà

(Dân trí) - Bệnh viện Bạch Mai - “người anh lớn” về chuyên môn y khoa nhiều khi gặp khó khăn, không kịp chi viện cho tuyến dưới do hạn chế về địa lý. Giờ đây, bài toán đã được giải quyết khi áp dụng Telehealth.

Chương mới cho ‘cánh tay nối dài’ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai - 1

Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước. Bởi vậy, ngay từ khi thành lập, cơ sở này đã được đặt sứ mệnh phải sở hữu đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, cập nhật và áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất trong y học.

Khi đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, là bệnh viện tuyến cuối, các bác sĩ ở đây phải tiếp nhận số lượng lớn người đến thăm khám, điều trị và có tiền sử dịch tễ phức tạp. Vì vậy, nguy cơ cơ sở y tế này trở thành “ổ dịch” thường xuyên tiềm ẩn.

Tháng 3/2020, Bệnh viện Bạch Mai xuất hiện hàng loạt ca bệnh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, hàng nghìn người liên quan phải cách ly. Lần đầu tiên, một cơ sở y tế hạng đặc biệt của Việt Nam phải thực hiện biện pháp mạnh để chống dịch: Phong tỏa.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, TS.BS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Bệnh viện không gục ngã, chúng tôi chỉ hơi chút lao đao và đã đứng dậy ngay”.

Chương mới cho ‘cánh tay nối dài’ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai - 2

Trong thời điểm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhờ hệ thống chỉ đạo tuyến từ xa đã được xây dựng trong nhiều năm, Bệnh viện Bạch Mai nhanh chóng thiết lập quy trình phòng, chống dịch, kiểm soát, phân luồng, sàng lọc bệnh nhân, người nhà và xét nghiệm tầm soát. Thậm chí, các bệnh nhân suy thận mạn tính vẫn được đảm bảo việc điều trị định kỳ.

Bên trong vòng phong tỏa, dựa trên kinh nghiệm và bài học “xương máu” vừa trải qua, bệnh viện lập tức tổ chức nhiều buổi đào tạo từ xa cho nhiều cơ sở y tế về việc kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh trở thành ổ dịch.

Mặc dù phản ứng và thích nghi nhanh với hoàn cảnh mới, việc khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai cũng bị ảnh hưởng do bác sĩ không thể tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân như trước. Họ cũng phải cách ly nên không thể chi viện cho các đơn vị tuyến dưới khi cần thiết. Rõ ràng, sau “cú vấp” trong đợt dịch vừa qua, nhu cầu xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa quy mô, hoàn chỉnh là điều tất yếu đối với bệnh viện này.

Khi được trang bị công nghệ tối tân, dù trong vòng phong tỏa, việc khám chữa bệnh, thậm chí điều trị tại đây chắc chắn sẽ được đảm bảo hơn nhiều. Thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa quy mô lớn, các bác sĩ vẫn có thể can thiệp vào một cuộc mổ, hỗ trợ các đồng nghiệp tuyến dưới 24/7. Họ cũng có thể tham khảo kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt khác để việc chống dịch hiệu quả hơn.

Chương mới cho ‘cánh tay nối dài’ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai - 3

Ngày 27/8, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi lễ khai trương Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa do Tập đoàn Viettel phối hợp xây dựng. Phó giám đốc bệnh viện, TS.BS Dương Đức Hùng, cho biết sự kiện này là dấu mốc thể hiện cơ sở y tế này chính thức tham gia vào Hệ thống hỗ trợ, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth).

Chuyên gia này đánh giá: “Việc bệnh viện, bác sĩ sử dụng hết tính năng của công nghệ Telehealth sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc. Mọi giải pháp công nghệ đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Các nhà cung cấp phải cập nhật, tìm hiểu rất kỹ tình hình thực tế trước khi cho ra mắt sản phẩm. Vì vậy, tôi chỉ sợ con người không chịu thay đổi để thích nghi với công nghệ chứ không lo công nghệ chậm thay đổi”.

Chương mới cho ‘cánh tay nối dài’ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai - 4

Tại buổi khai trương Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Bạch Mai đã kết nối với hơn 200 điểm cầu tại 200 cơ sở y tế tuyến dưới, 500 bác sĩ ở 35 tỉnh thành.

TS.BS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện chương trình khám chữa bệnh từ xa quy tụ được hàng trăm điểm cầu”. Trên thực tế, đây cũng là buổi hội chẩn từ xa và chia sẻ kinh nghiệm với sự tham gia của số điểm vệ tinh và số người tham dự lớn nhất từ trước đến nay và được tổ chức ở một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt.

Những con số từ sự kiện này chứng tỏ sức ảnh hưởng, uy tín của Bệnh viện Bạch Mai đối với các cơ sở y tế khác trên cả nước. Đồng thời, nó còn thể hiện tính hiệu quả vượt trội của Telehealth khi triển khai trong thực tế.

“Khi tuyến dưới gặp khó khăn, chúng tôi chưa bao giờ nề hà. Các chuyên gia của bệnh viện thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho y bác sĩ tuyến dưới. Kể cả khi các đồng nghiệp gặp phải các trường hợp tai biến, bệnh viện luôn là địa chỉ tin cậy để họ xin ý kiến tư vấn hoặc chuyển bệnh nhân lên. Trong suốt chặng đường đã qua, chúng tôi luôn cố gắng đáp ứng tốt niềm kỳ vọng và sự tin tưởng của các đồng nghiệp tuyến dưới”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Chương mới cho ‘cánh tay nối dài’ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai - 5

Bởi vậy, khi sở hữu hệ thống Telehealth, “người anh lớn” như có thêm sức mạnh. Sức mạnh ấy không chỉ làm tăng nội lực của Bệnh viện Bạch Mai mà còn giúp các bác sĩ, chuyên gia lan tỏa ảnh hưởng đến mọi nơi.

Mục tiêu mà Bộ Y tế đặt ra trong tháng 9/2020 là kết nối 1.000 điểm cầu và thời gian tới là 14.000 điểm cầu. Với vị thế là “người anh lớn” về mặt chuyên môn và kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, chắc chắn, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thu hút ngày càng nhiều điểm cầu ở bệnh viện tuyến dưới tham gia vào các buổi hội chẩn, đào tạo trực tuyến nhờ hệ thống Telehealth – “cánh tay nối dài của các bác sĩ”. Trong khi đó, Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ phát huy hiệu quả lớn khi mà dịch Covid-19 vẫn chưa thể dập tắt hoàn toàn và nhu cầu hỗ trợ y tế từ xa với các ca bệnh nặng ở các bệnh viện tuyến dưới là rất lớn.

Như vậy, Covid-19 chỉ là “cú hích” để đẩy nhanh tiến trình phát triển của một hình thức khám chữa bệnh trong thời đại công nghệ. Hình thức này chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, kể cả khi đại dịch này chấm dứt.

Tuy nhiên, theo TS.BS Dương Đức Hùng, để khám chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả như mong muốn, hoạt động này cần có quy định hành lang pháp lý rõ ràng. “Chúng ta phải xây dựng ‘một trục xa lộ’ thống nhất, hoàn chỉnh cho Telehealth để mọi người từ bệnh viện, bác sĩ đến người dân đều muốn tham gia. Có như vậy, chúng ta mới tạo được cơ sở cần thiết để một dịch vụ đang có nhu cầu cao trong xã hội phát triển bền vững”.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên trong cả nước, bệnh viện luôn là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân; đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực y tế, chuyển giao kỹ thuật, được Bộ Y tế tin tưởng, đánh giá cao và được các cơ sở y tế cùng các đồng nghiệp trong cả nước tín nhiệm.

Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được Tập đoàn Viettel triển khai tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội,… kết nối đến hàng chục bệnh viện tại các tỉnh thành trên cả nước. Telehealth giúp người dân dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức call, chat…, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị. Đến nay, Tập đoàn Viettel đã triển khai kết nối thành công đến 600 điểm tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, đạt 60% mục tiêu giai đoạn 1.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm