Chướng bụng, sụt cân: Coi chừng ung thư túi mật
(Dân trí) - Ung thư túi mật hình thành khi các tế bào túi mật khỏe mạnh phát triển những thay đổi (đột biến) trong ADN của chúng.
Ung thư túi mật là ung thư xuất phát từ các tế bào ở túi mật. Túi mật là cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa, nằm ở ổ bụng bên phải, ngay dưới gan. Đây là nơi lưu trữ và điều tiết dịch mật để tiêu hóa chất béo.
Ung thư túi mật hình thành khi các tế bào túi mật khỏe mạnh phát triển những thay đổi (đột biến) trong ADN của chúng. ADN của tế bào chứa các chỉ dẫn cho tế bào biết phải làm gì. Những thay đổi ADN khiến các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các tế bào tích tụ tạo thành một khối u có thể phát triển ra ngoài túi mật và lan sang các khu vực khác của cơ thể.
Ung thư túi mật có khá nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào các tế bào bị ảnh hưởng. 85% số bệnh nhân ung thư túi mật là do sự nhân lên bất thường của các tế bào tuyến trong niêm mạc túi mật (ung thư tế bào tuyến - adenocarcinoma). 15% còn lại bắt đầu từ các dạng tế bào khác nhau như: tế bào vảy hình thành lớp niêm mạc túi mật (ung thư tế bào vảy), tế bào cơ túi mật (ung thư mô liên kết - sarcoma)…
Dấu hiệu cảnh báo ung thư túi mật
Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, dấu hiệu ung thư túi mật thường gặp bao gồm:
- Đau bụng: đau thường bắt đầu từ vùng hạ sườn phải sau lan ra khắp bụng.
- Chướng bụng: Bụng chướng do dịch.
- Sốt.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: giảm > 10% trọng lượng cơ thể mà không rõ nguyên nhân.
- Nôn, buồn nôn: có thể nôn ra dịch mật màu vàng, vị đắng.
- Vàng da và củng mạc mắt vàng.
- Bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối ở vùng bụng phải.
Ngoài ra khi ung thư túi mật di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể sẽ có các biểu hiện tại cơ quan đó:
- Di căn phổi: khó thở, ho ra máu, tràn dịch màng phổi…
- Gan: đau hạ sườn phải, vàng da…
- Xương: đau xương, gãy xương bệnh lý.
- Não: đau đầu, rối loạn ý thức, động kinh, liệt..
Những người có nguy cơ ung thư túi mật cao
Theo các nghiên cứu, có nhiều yếu tố sẽ làm nguy cơ mắc ung thư túi mật của một người cao hơn bình thường, có thể kể đến như:
- Là phụ nữ.
- Trên 65 tuổi.
- Béo phì, lượng đường trong máu cao.
- Thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ung thư (như dioxin, hút thuốc lá…).
- U tuyến túi mật, vôi hóa túi mật.
- Xơ cứng đường mật nguyên phát.
- Viêm túi mật mãn tính.
- Nhiễm trùng mãn tính với Salmonella hoặc Helicobacter pylori.
- U nang đường mật bẩm sinh.
- Bất thường chỗ nối ống mật chủ.
Phát hiện ung thư túi mật như thế nào?
Khi nghi ngờ bệnh u túi mật, các bác sĩ thường chỉ định các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm sinh hóa máu: có sự tăng nhẹ nồng độ muối mật trong máu (Bilirubin), có thể tăng muối mật trong nước tiểu (Urobilirubin tăng).
- Xét nghiệm miễn dịch tế bào: có sự gia tăng CA 19-9.
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng: đánh giá vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn xung quanh của ung thư túi mật.
- Nội soi chụp đường mật ngược dòng (ERCP- Endoscopic retrograde cholangiopancreatography).
- Sinh thiết: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh ung thư túi mật.