Bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị ung thư vì... sợ mổ

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, bệnh nhân không nhập viện để phẫu thuật mà về nhà tự điều trị bằng các loại thuốc nam.

Phát hiện ung thư dạ dày năm 2019 sau một lần tình cờ đi khám bệnh, bệnh nhân L.T.A., 84 tuổi, trú tại thành phố Uông Bí được bác sĩ tư vấn nhập viện điều trị. Tuy nhiên người bệnh đã từ chối phẫu thuật vì "sợ".

Bệnh nhân A. sau đó về nhà tự điều trị bằng các bài thuốc nam. Chỉ đến khi bệnh ngày càng chuyển biến xấu người bệnh mới vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để điều trị trong tình trạng đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn, gầy yếu, sụt cân.

Bỏ lỡ cơ hội vàng điều trị ung thư vì... sợ mổ - 1

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh (Ảnh: BVCC).

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày lan rộng biến chứng hẹp môn vị trên người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Người bệnh đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày, kèm theo vét hạch.

Theo các bác sĩ Khoa Phẫu trị - Xạ trị và Y học hạt nhân, nếu người bệnh sau khi phát hiện mình mắc ung thư nhập viện điều trị, thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn và khả năng tiến triển, phục hồi, tiên lượng tốt hơn. Nhưng người bệnh lại từ chối điều trị, chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng hơn và di căn mới nhập viện điều trị thì tuổi đã rất cao 84 tuổi cùng nhiều bệnh lý nền.

Việc này đặt ra thách thức với các bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật để thời gian phẫu thuật phải thực hiện nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó là khả năng tiến triển, hồi phục sau phẫu thuật cũng rất khó khăn.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân để phát hiện sớm ung thư dạ dày, cần tiến hành khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Ung thư dạ dày không có triệu chứng đặc hiệu nên khi có các dấu hiệu bất thường như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, ợ hơi, ợ chua, nôn ra thức ăn, đại tiện phân đen, gầy sút cân không rõ nguyên nhân... cần đến các cơ sở y tế thăm khám để nhận được tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc ung bướu.

Bên cạnh đó người bệnh cần tin tưởng và thực hiện theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ. Việc tự ý điều trị nhiều khi sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc: Chẩn đoán muộn khiến người bệnh bỏ lỡ "giai đoạn vàng" của việc điều trị, việc điều trị muộn có thể tốn kém kinh tế hơn, tiên lượng kém hơn.

Những người có nguy cao mắc ung thư dạ dày

- Những người có bố mẹ hoặc anh em ruột bị ung thư dạ dày, đặc biệt có người bị ung thư dạ dày dưới 40 tuổi.

- Người bị cắt bán phần dạ dày sau 15 năm.

- Người có viêm teo niêm mạc dạ dày nặng trên nội soi: viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày.

- Những người từng phát hiện ung thư dạ dày sớm đã điều trị khỏi bằng cắt hớt hoặc tách cắt niêm mạc.

- Những người bị hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình.