Chủng vi rút nguy hiểm gây tăng đột biến dịch tay chân miệng

(Dân trí) - Bất chấp nỗ lực chủ động phòng chống của ngành y tế, sự xuất hiện trở lại của vi rút Ev71 khiến dịch tay chân miệng lây lan trên diện rộng. Trước nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng, ngành y tế đang gồng mình triển khai các phương án “chống đỡ”.

Nỗi ám ảnh mang tên vi rút Enterovirus 71

Vi rút Enterovirus 71 là “thủ phạm” gây ra trận dịch tay chân miệng lớn vào năm 2011. Từ đó đến nay, bệnh tay chân miệng tại TPHCM và trên cả nước có khuynh hướng giảm, chủ yếu là các trường hợp nhẹ, điều trị ngoại trú. Bệnh nhân tay chân miệng tại thành phố nhập viện điều trị nội trú hàng tuần khoảng 100 trường hợp, những lúc cao điểm có khoảng hơn 200 trường hợp.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đồn dập nhập viện trong 2 tuần qua
Bệnh nhi mắc tay chân miệng đồn dập nhập viện trong 2 tuần qua

Tuy nhiên, những tuần gần đây bệnh đang có dấu hiệu tăng đột biến. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố trong 2 tuần giữa tháng 9 năm 2018 số ca bệnh tay chân miệng nhập viện trên địa bàn thành phố đột ngột tăng nhanh.

Trong tuần 38 có 289 ca bệnh tay chân miệng nhập viện tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước. Bên cạnh đó, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh, gần 60% số ca bệnh tay chân miệng đang điều trị tại TPHCM được chuyển đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và miền Trung, Tây Nguyên đang gia tăng áp lực cho các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2.

Vi rút Ev71 đang hoành hành gây bệnh cho con trẻ
Vi rút Ev71 đang hoành hành gây bệnh cho con trẻ

Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, tháng 8 và tháng 9 hàng năm là thời điểm gia tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch năm nay đang ghi nhận sự xuất hiện trở lại của chủng vi rút Enterovirus 71 – chủng vi rút đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011. Đây có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh tại các tỉnh thành trên cả nước những tuần gần đây.

Kiểm tra đột xuất trường mầm non có 2 ca bệnh

Trước tình hình dịch tay chân miệng tăng nhanh, sáng 28/9 BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cùng Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố và các đơn vị liên quan trực tiếp kiểm tra trường mầm non phường 1, quận 10 và một điểm giữ trẻ hộ gia đình trên địa bàn cùng phường.

BS Nguyễn Hữu Hưng kiểm tra công tác phòng bệnh tại trường mầm non
BS Nguyễn Hữu Hưng kiểm tra công tác phòng bệnh tại trường mầm non

Báo cáo của nhà trường cho thấy, tại lớp Mầm 3 liên tiếp có 2 bé mắc tay chân miệng được ghi nhận. Bé thứ nhất được phụ huynh phát hiện sốt và dấu hiệu của bệnh khi bé còn ở nhà ngày 21/9. Sau khi xác định trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh đã chủ động thông báo cho trường, đồng thời xin cho bé nghỉ học.

Tiếp đến ngày 24/9 khi đưa con đến trường, mẹ của một bé tại lớp mần 3 báo cho cô giáo về tình trạng bé có biểu hiện mệt. qua theo dõi sức khỏe của trẻ, cô giáo phát hiện những dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng. Sau khi nhà trường thông báo cho phụ huynh và đề nghị đến đón bé đưa đi bệnh viện, kết quả thăm khám tại Nhi đồng 1 xác định bệnh nhi mắc tay chân miệng.

Sau khi xảy ra liên tiếp 2 trường hợp mắc bệnh, nhà trường đã tiến hành vệ sinh bằng dung dịch Cloramin B theo hướng dẫn của Sở Y tế. Nhà trường cũng đã thông báo, đề nghị các phụ huynh theo dõi sức khỏe của con, từ ngày 25 đến nay chưa ghi nhận thêm ca mắc tay chân miệng tại trường.

Tay chân miệng có thể phòng tránh bằng biện pháp rửa tay, giữ vệ sinh sạch sẽ
Tay chân miệng có thể phòng tránh bằng biện pháp rửa tay, giữ vệ sinh sạch sẽ

Kiểm tra các lớp học, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cô giáo đặc biệt lưu ý đến việc cho trẻ rửa tay thường xuyên trước mỗi bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Đồ chơi, đồ dùng của trẻ cũng phải khử khuẩn thường xuyên, để tránh nguy cơ mầm bệnh lây lan.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ: như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Có 80% số ca bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Vân Sơn