1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cả nước hơn 30 nghìn ca mắc tay chân miệng, gia tăng mạnh tại TP Hồ Chí Minh

(Dân trí) - Thống kê của Bộ Y tế từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, cả nước có hơn 30.000 ca bệnh tay chân miệng ghi nhận tại cả 63 tỉnh thành. Trong số đó có đến hơn nửa bệnh nhân (16.900 ca) mắc tay chân miệng phải nhập viện. Cùng với tay chân miệng, sốt xuất huyết ghi nhận 42.600 ca mắc, 9 ca tử vong.

Tại TP.HCM, theo Trung tâm y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm đến nay có 12.282 ca bệnh sốt xuất huyết, 3.195 ca tay chân miệng. Đặc biệt tay chân miệng có dấu hiệu tăng nhanh, với số mắc tuần qua tăng 45% so với tuần trước đó.

Cả nước hơn 30 nghìn ca mắc tay chân miệng, gia tăng mạnh tại TP Hồ Chí Minh - 1

Đáng nói, cả hai căn bệnh này đều không có vắc xin phòng bệnh. Trong đó, tay chân miệng ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng. Như tại BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), có ngày cao điểm có đến hơn 200 bệnh nhi tay chân miệng điều trị. Trong đó, hơn 50% các xét nghiệm cho thấy trẻ bị nhiễm chủng vi rút EV71. Đây là chủng gây bệnh tay chân miệng có độc tính cao, lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 có thể bị các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Tại đây hiện đã có 10 ca bệnh TCM nặng phải thở máy, 5 ca lọc máu và 1 ca tử vong sau 7 giờ nhập viện do quá nặng (ở khu vực Đông Nam bộ chuyển đến). Các ca nhiễm do vi rút EV 71 chiếm tỉ lệ mắc lớn. Đây là chủng vi rút gây dịch lớn năm 2011.

Tại miền Bắc, bệnh sởi cũng có dấu hiệu nóng lên. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay khu vực miền Bắc ghi nhận 2.302 ca sốt phát ban nghi sởi và 1.101 ca dương tính với sởi.

Hà Nội là địa phương ghi nhận nhiều nhất số ca mắc sởi, với 613 ca nghi mắc và 383 ca mắc sởi; Lào Cai có 493 ca nghi mắc và 168 ca mắc sởi; Điện Biên có 288 ca nghi mắc và 41 ca mắc sởi; Thanh Hóa có 227 ca nghi mắc và 154 ca mắc sởi; Sơn La có 151 ca nghi mắc và 91 ca mắc sởi; Quảng Ninh có 89 ca nghi mắc và 46 ca mắc sởi.

Theo thống kê của Khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay tiếp nhận 500 ca mắc sởi và hầu hết số mắc là trẻ chưa được tiêm chủng. Ngoài ra, các ca tay chân miệng cũng nghi nhận rải rác.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các ca mắc sởi đến 90% là chưa được tiêm phòng. Các ca mắc rơi chủ yếu vào trẻ dưới 5 tuổi.

Hồng Hải