TPHCM: “Ngộp, te tua, tơi tả” vì… bệnh tay chân miệng

(Dân trí) - Số ca mắc tay chân miệng nhập viện tăng dồn dập, bệnh nặng ngày càng nhiều khiến các bác sĩ phải căng mình ứng cứu. Nguy cơ đại dịch tay chân miệng bùng phát như thời điểm năm 2011 đang đe dọa cộng đồng.

Ngày 25/9, trên trang facebook cá nhân BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo: “Ngộp – te tua – tơi tả - đàn em – học trò chuẩn bị biết thế nào là tay chân miệng năm 2011”.

Thực tế, tình trạng “tơi tả” đang diễn ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ phải liên tục tiếp nhận, cấp cứu cho nhiều trường hợp bệnh nặng phải nhập viện. Ngày 26/9, tại khoa Nhiễm Thần kinh đang phải điều trị cho 179 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có gần 30 ca nặng phải theo dõi, chăm sóc liên tục, nhiều trẻ phải thở máy. Tại bệnh viện đã có 1 ca tay chân miệng tử vong.

Bệnh tay chân miêng tăng dồn dập trong thời gian ngắn, nguy cơ bùng phát dịch
Bệnh tay chân miêng tăng dồn dập trong thời gian ngắn, nguy cơ bùng phát dịch

BS Trương Hữu Khanh cho biết, lúc cao điểm như tuần trước khoa tiếp nhận, điều trị tới 222 bệnh nhi. Trẻ mắc bệnh được chuyển đến từ các tỉnh phía Nam và TPHCM. Thực tế ghi nhận từ điều tra bệnh sử cho thấy, không chỉ những trẻ ở nhà nhiễm bệnh mà có những trẻ nhiễm tay chân miệng từ các nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ. Điều này cho thấy, bệnh đang lưu hành trên diện rộng, nguy cơ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Từ những phân tích chuyên môn, BS Hữu Khanh nhận định, hơn 50% các xét nghiệm cho thấy trở bị nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng gây bệnh tay chân miệng có độc tính cao, lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 có thể bị các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, suy hô hấp, sốc, suy tim và tử vong nhanh.

Diễn tiến tay chân miệng gia tăng nhanh trong cộng đồng đã được Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố ghi nhận. Theo thống kê từ ngày 14/9 đến ngày 20/9 bệnh tay chân miệng đã tăng đột biến. Nếu trung bình 4 tuần trước đó, số ca nhiễm bệnh là 194 trường hợp thì tuần qua đã “vọt” lên 286 ca bệnh (tăng 47%). Tổng số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay là 3.195 ca.

Bệnh đông, các bác sĩ tơi tả khi nỗ lực ứng cứu cho các bé
Bệnh đông, các bác sĩ "tơi tả" khi nỗ lực ứng cứu cho các bé

BS Hữu Khanh cảnh báo, ngoài các biểu hiện nổi mẫn, bóng nước ở tay chân và trong niêm mạc miệng, trẻ mắc tay chân miệng thường giật mình trong lúc thiu thiu ngủ, nếu tần suất trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế. Ông cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh, phác đồ điều trị tay chân miệng hiện đã được triển khai khắp các tuyến quận huyện nên không nhất thiết phải đưa trẻ đến bệnh viện tuyến cuối để tránh áp lực quá tải và nhiễm chéo trong bệnh viện.

Trước thực trạng bệnh tay chân miệng tăng nhanh, nguy cơ lây lan trên diện rộng, Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại những điểm như nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình, trường mẫu giáo. Các đơn vị y tế đang tập trung hướng dẫn giải pháp phòng bệnh, tăng cường vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.

Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo các bậc phụ huynh, trường hợp trẻ đi học mắc bệnh cần nhanh chóng thông báo cho nhà trường để thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn. Phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học (tối thiểu 10 ngày) cho đến khi hết bệnh, có giấy xác nhận của bác sĩ mới đưa trẻ đi học trở lại.

Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm, chưa có vắc xin chủng ngừa nhưng có thể phòng bệnh hiểu quả bằng những giải pháp đơn giản như: Người trông giữ trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; thường xuyên vệ sinh nơi trẻ vui chơi, vệ sinh đồ chơi của trẻ bằng nước xà phòng hoặc nước khử khuẩn.

Vân Sơn