Chưa trúng mưa dễ gì chịu mua thuốc cảm!

Có lẽ nên mời người còn trong lứa tuổi trung niên lại thêm tật hút thuốc tham gia chương trình tham quan phòng cấp cứu hồi sinh. Biết đâu đây là sáng kiến cho ngành... du lịch.

Có lẽ nhiều người sau khi tận mắt nhìn thấy phũ phàng đến thế nào với người nhồi máu cơ tim, mới mong giảm được tỉ lệ tử vong của bệnh tim mạch. Chuyện đời xưa nay vẫn thế! Mấy ai chịu “đổ lệ” khi chưa thấy... quan tài.

Nếu ở các nước phương Tây, cấp cứu nhồi máu cơ tim là thao tác được thực hiện ngay trên xe cấp cứu thì tỉ lệ tử vong ở xứ mình chỉ còn cách giải thích cho êm tai là tất cả đều đúng quy trình vì trật chút xíu là bệnh nhân mất… mạng!

Chuyện tính từng phút

Nếu một mạch máu nhỏ li ti trên thành trái tim vì lý do nào đó bỗng bất ngờ bị nghẹt, chẳng hạn vì mạch máu chai cứng rồi hẹp dần đến độ tắc nghẽn, hay dòng máu vì quá đậm đặc nên chất mỡ trong máu, sợi đông huyết, tiểu cầu hè nhau đóng chốt trong lòng mạch máu ở khúc quanh nào đó thì nhồi máu cơ tim xảy ra cấp kỳ. Khi đó vùng cơ tim quanh chỗ bị nghẽn bị hoại tử với vận tốc phát tán rất nhanh, nếu không có biện pháp can thiệp dứt khoát, kịp thời và hiệu quả. Vì thế, cấp cứu cho người bị thuyên tắc mạch vành là chuyện tính từng phút.

Chưa trúng mưa dễ gì chịu mua thuốc cảm! - 1

Vận động mỗi ngày tối thiểu 30 phút, nếu được hai lần 30 phút càng tốt, dưới hình thức nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội… để tránh nhồi máu cơ tim.

Bệnh tính từng giây

Thầy thuốc nào cũng biết vậy. Nhưng nhiều khi đành bó tay vì bệnh nhân đến phòng cấp cứu quá trễ. Bằng chứng là 53% nạn nhân của nhồi máu cơ tim bên Đức đến phòng cấp cứu sau khi cơn đau thắt ngực xảy ra trước đó hơn hai tiếng đồng hồ. Ngay cả với những bệnh nhân đã biết rõ về tiền căn thiểu năng mạch vành. 26% trong số đó thậm chí gọi xe cấp cứu sau hơn 12 giờ đồng hồ có dấu hiệu báo động. Đó là chưa kể đến hơn phân nửa số trường hợp thiếu máu cơ tim hoặc không có dấu hiệu báo động, hoặc quá mơ hồ đến độ bệnh nhân tưởng là bệnh khác, như chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu…

Đợi chi nước đến chân?!

Nhằm đối phó với thảm trạng vừa tả, y sĩ đoàn ở nhiều quốc gia, nghĩa là không kể đến nước mình vì bên ta chưa có y sĩ đoàn, trong hai thập niên vừa qua đã đồng thanh lên tiếng cổ động cho ba biện pháp cơ bản:

Cơ quan y tế cần nhanh chóng xây dựng đội ngũ cấp cứu lưu động, với kiến thức và kinh nghiệm xử lý tình trạng nhồi máu cơ tim để tiến hành thao tác điều trị cơ bản ngay tại nhà bệnh nhân và trên đường đến bệnh viện để chạy đua từng phút với thần chết đang nắm chắc phần thắng trong tay.

Thân nhân của người bệnh đã được chẩn đoán trước đó với bệnh lý mạch vành cần mạnh dạn gọi xe cấp cứu thay vì chờ đợi cù cưa với hy vọng lần này chưa phải bệnh tim.

Người bệnh, nhất là người đa đoan công việc, người còn trẻ bề ngoài coi còn khỏe nhưng trên thực tế đã từ lâu “trong héo ngoài tươi”, người không ưa nhưng vẫn phải chọn stress làm bạn đồng hành, một khi biết mạch máu vành tim không còn chịu tiếp tục hy sinh cho gia chủ nên nhanh chóng tiến hành sáu biện pháp dưới đây:

Bỏ ngay thuốc lá vì mỗi điếu thuốc xén mất 15 phút tuổi thọ của người bệnh tim. Làm thử bài toán nhân chia cho đúng thì hiểu ngay vì sao ta lại bỏ cuộc quá sớm, trong khi người khác thảnh thơi ở lại với cuộc chơi vì có thêm nhiều ngày để yêu thương.

Vận động mỗi ngày tối thiểu 30 phút, nếu được hai lần 30 phút càng tốt, dưới hình thức nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội... Đừng gắng sức vì phản tác dụng.

Tăng lượng cá biển, rau cải, trái cây, dầu thực vật trong khẩu phần, nghĩa là giảm thịt mỡ, thực phẩm công nghệ, rượu bia. Giảm khác xa kiêng. Nhưng giảm cũng không đồng nghĩa 50/50.

Giảm cân cho bằng được nếu lỡ... béo phì bằng cách một mặt vận động cho thường, mặt khác đừng ngồi ì trước máy truyền hình, máy vi tính.

Theo dõi huyết áp, điện tâm đồ, đường huyết, lượng mỡ trong máu định kỳ, nhất là khi thấy mệt…

Thư giãn mạch máu, thư giãn thần kinh bằng cách áp dụng kỹ thuật dưỡng sinh nào đó. Yoga, thái cực, khí công... món nào cũng được, miễn là nhờ đó đánh tan mọi ưu phiền.

Chưa đi mưa chưa biết trời lạnh

Không chỉ khổ cho người bệnh nếu phải cấp cứu mà đến quá trễ. Thầy thuốc chắc chắn không vui gì khi thúc thủ. Tiếng còi hụ í e của xe cứu thương, cho dù có may mắn đến nơi còn kịp, vẫn là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân trước đó đã không được chẩn đoán đúng lúc và điều trị hiệu quả. Trễ một bước trong tiến trình điều trị nhồi máu cơ tim là cả một quãng đường rất xa, vượt ngoài tầm tay của thầy thuốc.

Theo BS Lương Lễ Hoàng

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm