1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chưa hết dịch Covid-19 đã vào mùa cao điểm sốt xuất huyết, tay chân miệng

(Dân trí) - Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng bắt đầu “bứt tốc” tăng nhanh, nguy cơ dịch bệnh liên tiếp xảy ra, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Ngành y tế khuyến cáo người dân tăng cường biện pháp phòng bệnh.

Sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa cao điểm

Trong 6 tháng đầu năm nay, số trường hợp bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng hàng tuần luôn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, bước vào tháng 7, số người đến khám và nhập viện vì 2 loại bệnh trên đều tăng.

Chưa hết dịch Covid-19 đã vào mùa cao điểm sốt xuất huyết, tay chân miệng - 1
Mỗi năm vào thời điểm mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết tại khu vực Nam bộ đều tăng cao


Thống kê sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết, bệnh sốt xuất huyết đã tăng 59 trường hợp, tay chân miệng tăng 50 trường hợp so với tuần trước. Các phân tích từ hệ thống giám sát dịch tễ cho thấy, trong tuần cuối tháng 6, số phường xã có trường hợp bệnh sốt xuất huyết là 114 thì sang tuần đầu của tháng 7 đã tăng lên 144. Trung bình mỗi phường xã có 2 ca nhiễm bệnh được ghi nhận.


BS Lê Hồng Nga, cho biết so sánh với diễn tiến nhiều năm liền, sự gia tăng số lượng bệnh nhân trong tuần đầu tháng 7 tương tự với những năm trước và có thể tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới. Dự báo, sốt xuất huyết sẽ đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 10 đến tháng 11. Ở thời điểm hiện tại, bệnh mới bắt đầu gia tăng, nếu toàn cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng chống sẽ kìm hãm được sự gia tăng ca bệnh và hạn chế phạm vi xuất hiện bệnh tại thành phố.

Chưa hết dịch Covid-19 đã vào mùa cao điểm sốt xuất huyết, tay chân miệng - 2
Ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng của sốt xuất huyết


Tăng cường vệ sinh môi trường sống, lật úp các vật dụng có thể chứa nước (đặc biệt là nước mưa), diệt lăng quăng mỗi tuần 1 lần, ngủ mùng thường xuyên, sử dụng các biện pháp diệt muỗi, luôn giữ cho nhà cửa thông thoáng… là giải pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả được Trung tâm Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm khuyến cáo người dân triển khai để phòng sốt xuất huyết.


Sau dịch Covid-19, bệnh tay chân miệng tăng nhanh


Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, trong tuần cuối tháng 6, số phường xã có ca tay chân miệng là 72 thì sang tuần đầu của tháng 7 số ca bệnh đã lên 97. Số bệnh nhân trung bình là khoảng 1,5 trường hợp ở mỗi phường xã trong tuần đầu tháng 7.

Theo diễn tiến hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, tháng 9. Năm 2020, do đại dịch Covid- 19 trên toàn cầu, các biện pháp hạn chế thậm chí ngăn chặn quyết liệt được đẩy mạnh, thông điệp rửa tay cùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như Covid-19, tay chân miệng, sởi, cúm… đã góp phần làm giảm bệnh tay chân miệng trong thời gian qua.

Chưa hết dịch Covid-19 đã vào mùa cao điểm sốt xuất huyết, tay chân miệng - 3
Tay chân miệng là bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi


Khi bước sang trạng thái bình thường mới, các trường học cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí mở cửa trở lại, các điều kiện thời tiết cũng diễn biến bất lợi nên bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh. Ngoài TP HCM các tuần gần đây bệnh tay chân miệng cũng gia tăng nhanh tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.


Trước tình hình trên, ngày 13/7, ông Đăng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi các tỉnh thành về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Theo nội dung công văn: “Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, dự báo số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh chuẩn bị tập trung vào năm học mới”.

Chưa hết dịch Covid-19 đã vào mùa cao điểm sốt xuất huyết, tay chân miệng - 4
Cục Y tế Dự phòng đề nghị các địa phương tăng cường phòng chống tay chân miệng, hạn chế biến chứng, tử vong

Cục Y tế Dự phòng đề nghị các địa phương tăng cường giải pháp phòng bệnh, phối hợp giữa ngành y tế và ngành giáo dục triển khai tổng hợp những phương án để phòng chống bệnh hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng. Tổ chức thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong, phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm