Chưa đầy 30 tuổi lá gan đã hoại tử vì sai lầm nhiều người mắc phải

Minh Nhật

(Dân trí) - Nam thanh niên sinh năm 1992 được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng mê man, nhận thức kém. Kết quả thăm khám bước đầu xác định bệnh nhân bị suy gan tối cấp.

Suy gan tối cấp vì chủ quan

"Suy gan tối cấp là tình trạng tổn thương tế bào gan một cách ồ ạt, hoại tử lan rộng ở những vùng gan lớn. Nếu không được điều trị kịp thời và hợp lý, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân suy gan tối cấp lên đến 90%", BSCK II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phân tích về tình trạng của bệnh nhân.

Chưa đầy 30 tuổi lá gan đã hoại tử vì sai lầm nhiều người mắc phải - 1

Một bệnh nhân được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì điều trị viêm gan B bằng thuốc "truyền miệng" 

Ngay lập tức, bệnh nhân được lọc máu và lọc gan nhân tạo. Điều may mắn là dù rơi vào tình trạng rất nguy kịch và có chỉ định ghép gan, nhưng qua quá trình hồi sức cấp cứu, bệnh nhân đã dần hồi phục.

Đáng chú ý, qua khai thác bệnh sử, phía gia đình cho hay bệnh nhân trước đó được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính. Sau khoảng 1 năm uống thuốc để điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nam thanh niên này đã tự ý bỏ điều trị vì thấy rằng sức khỏe đã ổn định.

Nhiều rủi ro khi tự ý bỏ điều trị viêm gan B

BS Huyền thông tin: "Ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi tuần tiếp nhận khoảng 1-2 trường hợp bệnh nhân viêm gan B tự ý bỏ thuốc dẫn tới phản ứng ngược như viêm gan tối cấp, suy gan. Thậm chí, có trường hợp tử vong".

Theo BS Huyền, việc người bệnh viêm gan B mạn tính không tuân thủ điều trị là một thực trạng rất đáng quan ngại.

Chưa đầy 30 tuổi lá gan đã hoại tử vì sai lầm nhiều người mắc phải - 2

Bệnh nhân viêm gan B tự ý bỏ thuốc, virus đang bị ức chế bởi thuốc sẽ thoát ức chế và nếu bùng phát bệnh trở lại thì nặng hơn trước rất nhiều

Phân tích rõ hơn, chuyên gia này cho hay, nếu đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, người bệnh cần xác định phải chung sống với virus suốt đời. Mặc dù cũng có trường hợp người bệnh có thể điều trị khỏi hẳn viêm gan B mạn tính, nhưng đây chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 2%).

Do đó, người mắc viêm gan B mạn tính cần phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, để có thể chung sống khỏe mạnh với virus viêm gan B.

"Cần hiểu rằng, với viêm gan B mạn tính, việc uống thuốc điều trị không phải là để khỏi bệnh, bởi hiện căn bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, điều trị sẽ giúp tổn thương gan không tiến triển nặng thêm, ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan. Mục đích cuối cùng là để bệnh nhân viêm gan B mạn tính có được cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ như người bình thường", BS Huyền phân tích.

Chưa đầy 30 tuổi lá gan đã hoại tử vì sai lầm nhiều người mắc phải - 3

Điều trị viêm gan B sẽ giúp tổn thương gan không tiến triển nặng thêm, ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Việc người bệnh tự ý bỏ điều trị, theo BS Huyền, ngay cả khi tình trạng sức khỏe đã ổn định sẽ khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

"Khi bỏ thuốc, virus đang bị ức chế bởi thuốc sẽ thoát ức chế và nếu bùng phát bệnh trở lại thì nặng hơn trước rất nhiều, có thể gây suy gan nặng, cấp tính và dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Thậm chí, nếu qua được thì bệnh nhân đối mặt với nguy cơ xơ gan và ung thư gan", BS Huyền chia sẻ.

Điển hình như trường hợp của nam thanh niên ở trên. Sau khi xuất viện, bệnh nhân đã bị xơ gan vì những tổn thương trước đó.

Qua đây, BS Huyền khuyến cáo: "Đối với bệnh viêm gan B, khi đã có chỉ định điều trị thì bắt buộc phải uống thuốc đều đặn, kéo dài. Trong trường hợp muốn dừng uống thuốc phải có sự theo dõi rất sát của bác sĩ. Nếu bác sĩ chỉ định dừng thì mới được dừng. Không tự ý bỏ thuốc ngay cả khi cảm thấy sức khỏe đã hồi phục".

Dòng sự kiện: Viêm gan virus

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm