1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chưa có ca cấp cứu, mổ đẻ nào phải tạm dừng vì thiếu nước

(Dân trí) - Dù ảnh hưởng của việc vỡ đường ống nước sông Đà khiến tình hình nước sạch rất căng thẳng nhưng Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội khẳng định, chưa có ca cấp cứu, mổ đẻ nào phải hoãn vì thiếu nước sạch.

 

Các ca cấp cứu, mổ đẻ vẫn diễn ra bình thường do nguồn nước được ưu tiên 24/24h cho khu vực này. Từ 1/10 mọi hoạt động của BV Phụ sản Hà Nội đã trở lại bình thường do được cung cấp đủ nước. Ảnh: T.Anh
Các ca cấp cứu, mổ đẻ vẫn diễn ra bình thường do nguồn nước được ưu tiên 24/24h cho khu vực này. Từ 1/10 mọi hoạt động của BV Phụ sản Hà Nội đã trở lại bình thường do được cung cấp đủ nước. Ảnh: T.Anh

Vẫn ưu tiên nước 24/24h cho cấp cứu, mổ đẻ

Trước đó, từ ngày 26/9, BV Phụ sản Hà Nội đã bị mất nước và phải dùng đến nguồn nước dự trữ. Tuy nhiên, với mức tiêu thụ nước rất lớn nên chỉ sau 3 ngày, nguồn nước dự trữ cũng đã hết. Từ ngày 29/9, BV đã phải mua nguồn nước từ bên ngoài nên không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sử dụng nước của toàn bệnh viện.

Bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết, dù nước khan hiếm nhưng vẫn được ưu tiên 24/24h cho các khoa cấp cứu, nhiễm khuẩn, mổ đẻ. Các khoa phòng còn lại sẽ phải cắt nước luân phiên để tiết kiệm nước. Khi xảy ra tình trạng khan hiếm nước, nhân viên y tế cũng không được tắm tại bệnh viện, để dành nước phục vụ người bệnh.

Vì thế, dù khan hiếm nước nhưng đến nay chưa có có ca cấp cứu hay mổ đẻ nào phải tạm dừng vì thiếu nước. Các ca mổ chủ động được kéo dài lịch mổ và đến hôm nay, khi nước đã có đầy đủ, mọi hoạt động của bệnh viện đã trở về bình thường.

TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội ,cho biết, tính đến sáng 1/10, toàn bộ hoạt động của bệnh viện đã trở lại bình thường do bệnh viện đã được cung cấp thêm 470m3 vào ngày hôm qua 30/9. Tuy nhiên, trước đó, hàng trăm sản phụ rơi vào tình trạng lo lắng trước nguồn nước sạch của bệnh viện bị cạn kiệt, nhiều sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi lượng bệnh nhân nhập viện hàng ngày vẫn rất đông.

Chị Phùng Thị Sâm (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Khi vào viện, nghe nói tình trạng mất nước, em lo lắng lắm chị ạ. Nhu cầu sử dụng nước thì nhiều, không có nước thì làm thế nào. Nhưng vì mổ cấp cứu nên khi vào viện hôm 29/9 em cũng đã được mổ luôn. Mọi người ai cũng lo lắng vì nước là nguồn thiết yếu mà ai cũng phải dùng. Nhà vệ sinh ảnh hưởng vì sản phụ dùng thường xuyên, nước thì không có nhiều”, chị Sâm nói.

Sáng 1/10, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa và phòng hành chính BV Phụ sản Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tình hình cấp nước tại BV. Theo đó, tổng số nước vào 6h sáng 30/9 đến 6h ngày 1-10 là 470m3 (so với nhu cầu sử dụng bình thường của BV là 400m3/ngày). Tại thời điểm kiểm tra, chất lượng nguồn nước vào các bể đảm bảo vệ sinh. 3 bể ngầm với khối lượng 450m3 tương đối đầy nước (khoảng 3/4 thể tích mỗi bể). Ngoài ra, các bể mái, 2 bể khu nhà D, mỗi bể đầy khoảng 70%; 7 bể chứa khu nhà A đã đầy 100%. Như vậy, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa đã cấp nước cho BV Phụ sản đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng nước.

Cần có thêm bể dự trữ nước

Theo BV Phụ sản Hà Nội, lần nào xảy ra sự cố đường ống sông Đà bị vỡ thì bệnh viện đều bị mất nước. Tuy nhiên bệnh viện có bể chứa khoảng 250m3 dự trữ nên thiếu hơn một ngày thì bệnh viện có thể dùng nước dự trữ nhưng thiếu sang ngày thứ 3 trở đi thì tình hình rất trầm trọng.

Bởi tại BV, một ngày có hơn 1.000 lượt người đến khám chữa bệnh, xét nghiệm siêu âm. Với 600 bệnh nhân nội trú, trẻ sơ sinh là gần 400 cháu cộng với lượng người nhà đi theo phục vụ lên đến hàng ngàn người chưa kể nhân viên y tế... nên việc thiếu nước là vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, lần này do mất nước quá lâu nên ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh nặng nề hơn.

Chiều 1/10, Công ty nước sạch Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với BV Phụ sản Hà Nội về việc cung cấp nước cho bệnh viện. Ông Trịnh Kim Giang, Phó Tổng Giám đốc nước sạch Hà Nội, cho biết, công ty luôn coi những đơn vị như bệnh viện, trường học… là những khách hàng “đặc biệt”, luôn có sự ưu tiên hàng đầu khi xảy ra các tình huống thiếu nước.

Vì vậy, ngay sau khi sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà xảy ra, công ty đã khắc phục bằng cách cấp nước cho BV Phụ sản Hà Nội bằng xe bồn, lắp bơm từ đường ống để chủ động cấp lượng nước còn lại đạt mức tối đa cho BV.

Ngay từ trưa 30/9 BV Phụ sản Hà Nội đã được cung cấp nước vào các bể dự trữ. Tuy nhiên, sức chứa của bể dự trữ của bệnh viện có hạn. Vì thế, theo ông Giang, để không còn xảy ra tình trạng mất nước tại BV, BV cũng cần  tăng cường thêm các bể chứa nước, đồng thời BV nên sớm nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước tại đây.

Tú Anh