Chủ quan với tình trạng chóng mặt, nam bệnh nhân nguy kịch tính mạng

Vân Sơn

(Dân trí) - Mắc nhiều bệnh lý mạn tính, sau nhiều tháng bị chóng mặt nhưng bệnh nhân không đến bệnh viện. Sau khi ngã nhào từ trên ghế xuống đất, người bệnh được xác định bị tắc động mạch não.

Đó là trường hợp ông N.V.H. (65 tuổi) vừa được chuyển đến cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TPHCM. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị liệt hoàn toàn nửa người bên phải, méo mặt, mất ý thức, lơ mơ.

Chủ quan với tình trạng chóng mặt, nam bệnh nhân nguy kịch tính mạng - 1

Đoạn máu đông gây tắc mạch được bác sĩ can thiệp, lấy thành công

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường và hay chóng mặt nhưng không đi khám vì nghĩ rằng đây là triệu chứng mệt mỏi thông thường. Ngoài ra ông H. còn hút nhiều thuốc lá từ thời thanh niên đến nay. 

Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định đây là một trường hợp đột quỵ nên kích hoạt quy trình cấp cứu, huy động lực lượng liên chuyên khoa. Bệnh nhân nhanh chóng được đánh giá và chụp CT. Trên kết quả thăm khám và kiểm tra hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu não bán cầu trái do tắc 2 tầng động mạch cảnh trong bên trái (Tandem), bao gồm hẹp nặng gốc động mạch cảnh trong trái và tắc đồng thời động mạch não giữa trái. 

Xác định đây là một trường hợp tắc mạch não hiếm gặp, khó và phức tạp, các bác sĩ lập tức bơm thuốc tiêu huyết khối đồng thời chuyển bệnh nhân lên phòng can thiệp mạch máu não để tái thông mạch máu bị tắc. Sau hơn 1 giờ khẩn trương can thiệp các bác sĩ đã lấy thành công đoạn huyết khối trong lòng mạch có chiều dài 4cm đã gây tắc động mạch não lớn của bệnh nhân, tái thông hoàn toàn mạch máu. 

Chủ quan với tình trạng chóng mặt, nam bệnh nhân nguy kịch tính mạng - 2
Bệnh nhân đã tỉnh táo, vận động và tri giác bình phục sau can thiệp cấp cứu

Người bệnh đã cải thiện triệu chứng yếu liệt, tri giác ngay trên bàn mổ. Hiện, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể giơ tay và tự bước đi từng bước chậm rãi với sự giúp đỡ của người thân.

Từ trường hợp trên, bác sĩ Trần Nguyễn Khánh, Phó khoa Nội thần kinh cho biết: “Đột quỵ não thường xảy ra rất nhanh, bất ngờ và có thể để lại di chứng tàn tật nặng nề hoặc cướp đi tính mạng của người bệnh".

Theo bác sĩ nếu được nhanh chóng can thiệp, điều trị trong “thời gian vàng” (khoảng 6 giờ sau khi khởi phát các triệu chứng) sẽ tăng khả năng cứu sống, giảm di chứng. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng khi phát hiện người có biểu hiện đột quỵ cần lập tức chuyển đến bệnh viện có chuyên khoa hoặc đơn vị điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt.