Chống dịch Covid-19: Nỗi lòng của những nhân viên y tế bị kỳ thị

(Dân trí) - Dịch Covid-19 kéo dài, lây lan khiến nhiều người không khỏi sợ hãi, lo lắng, dẫn đến kỳ thị với người bệnh, với cả các nhân viên y tế. Một số bị chủ nhà đuổi, không cho thuê vì làm ở ổ dịch.

Tủi thân, chạnh lòng là cảm giác của nữ điều dưỡng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi không chỉ bản thân, mà cả bố mẹ, con cũng bị người xunh quanh kỳ thị. Mang thai ở tuần thứ 32, được Bệnh viện tạo điều kiện cho nghỉ làm, chị cùng con về nhà ngoại ở Hưng Yên ở. 

Vì có bầu, chị cũng được chuyển sang làm hành chính, không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân. Trước khi về quê, chị cũng đã có khoảng thời gian cách ly tại viện, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-COV-2.

“Cũng hiểu bản thân làm việc tại bệnh viện tuyến đầu về chống dịch bệnh, nên tôi cũng có ý thức ở nhà, tránh cho cộng đồng. Tôi cũng không đi đâu xa, cho con ra chỗ có cầu trượt cách nhà 7-8m, đeo khẩu trang. Thế nhưng hàng xóm thấy hai mẹ con ra là họ đưa con về hết. Thậm chí bố, mẹ tôi đi ra đường, đi chợ cũng bị hàng xóm nói ‘Ông/Bà đi về ngay. Ai cho ông/bà ra đường mà ra!’”, nữ điều dưỡng chia sẻ.

Chống dịch Covid-19: Nỗi lòng của những nhân viên y tế bị kỳ thị - 1

Thậm chí hàng xóm còn phản ánh lên công an xã yêu cầu thành viên trong gia đình chị không ai được ra ngoài.  

“Bản thân tôi có bầu, có con nhỏ, tôi cũng phải biết cách bảo vệ bản thân mình trước tiên, sau đó cũng là bảo vệ gia đình và cộng đồng. Nhưng đến mức kỳ thị sang cả người thân, thậm chí nhiều người không dám đi qua trước cửa nhà thực sự khiến tôi thấy căng thẳng, chạnh lòng”, chị nói. 

Chị cho biết thêm khi về địa phương chị cũng đã thông báo với y tế địa phương, đồng thời cũng hiểu mình phải tự cách ly tại nhà, hằng ngày đều đặn đo nhiệt độ và thông báo cho y tế nếu có gì bất thường. 

Một bác sĩ làm việc tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ: “Người dân Hà Nội không nên có thái độ kỳ thị nhân viên y tế. Chúng tôi là những người đang phải gồng gánh và căng thẳng chống dịch nhất. Thậm chí ngay cả khi được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, chúng tôi vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong những tình huống khó tránh khỏi khi thăm khám, cấp cứu. Vô cùng nhiều kịch bản có thể xảy ra”.

Chống dịch Covid-19: Nỗi lòng của những nhân viên y tế bị kỳ thị - 2

Giờ ăn của cán bộ y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Facebook. 

Gần đây một bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xúc động.  Đó là hình ảnh một số cán bộ nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ăn bữa cơm tối trong khuôn viên bệnh viện. Trong ánh đèn le lói của thời khắc cuối ngày, mỗi người lặng lẽ bỏ khẩu trang, ngồi riêng trên ghế đá, lặng lẽ ăn phần cơm của mình. Họ không được về nhà với gia đình, mà ăn, ngủ, nghỉ ngay tại bệnh viện.

Theo TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chuyện sợ như sợ hủi, sợ như sợ dịch là tâm lý bình thường của con người.

Ví dụ một người mẹ bế con mắc bệnh sởi thì người khác biết chắc chắn sẽ tránh xa, đây là phản ứng tự vệ bình thường. Nhưng nếu có thái độ khinh bỉ nhà người ta chỉ vì có con bị sởi là điều không nên và đáng bị lên án. Trong khi xét về phương diện bệnh tật, đáng nhẽ gia đình có con bị sởi là đáng thương, cần sự chia sẻ, đồng cảm của mọi người. 

 “Còn về sự kỳ thị, chúng ta gặp nhiều, đầu tiên là kỳ thị với bệnh nhân như bệnh nhân HIV dù thực sự căn bệnh này không quá đáng sợ như thế. Nhưng kỳ thị với người thầy thuốc là điều rất đáng ngạc nhiên. Vì với sự phân công của xã hội, công việc của họ mang lại điều tốt đẹp cho xã hội. Vậy tại sao lại kỳ thị họ”, TS Hùng nói. 

Chống dịch Covid-19: Nỗi lòng của những nhân viên y tế bị kỳ thị - 3

Theo ông, trong quá trình làm việc người thầy thuốc rất dễ bị phơi nhiễm với HIV, viêm gan B, lao. Họ cũng là bệnh nhân nhân nhưng là bệnh nhân đặc biệt, vì họ bị bệnh do môi trường làm việc. Họ chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại đó. Họ là nạn nhân của cái họ chấp nhận hy sinh cả cuộc đời cho công việc đó.

“Với họ chúng ta phải chia sẻ, độ lượng, động viên, giúp đỡ chứ không phải kỳ thị. Tương tự với dịch Covid-19, nếu hỏi ‘Chúng tôi sợ không?’ thì câu trả lời là ‘Có’. Nhưng điều gì khiến nhân viên y tế vẫn hết lòng lao vào điều trị cho bệnh nhân, thậm chí cả người nước ngoài đến nỗi bị nhiễm bệnh thành bệnh nhân. Họ cũng có nguy cơ tử vong.”, TS Hùng nói. 

“Vụ dịch xảy ra tại TP Vũ Hán của Trung Quốc là minh chứng, đã có biết bao nhiêu bác sĩ đã tử vong. Nếu họ cũng bỏ trốn lên núi, giam mình trong phòng kín 1-2 tháng thì có lẽ họ sẽ không chết. Họ làm việc đó vì trách nhiệm với cộng đồng, là sự hy sinh. Vậy thì tại sao chúng ta lại kỳ thị họ, tránh họ, thậm chí là gia đình họ như tránh hủi”, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết thêm.

Ông cho biết, nhiều điều dưỡng của bệnh viên bị chủ nhà đuổi, không cho thuê trọ nữa. Trong khi chính những cán bộ y tế là những chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Họ đương đầu với dịch bệnh giúp cho xã hội khỏe mạnh. 

“Vì thế, việc kỳ thị quá mức với chính cán bộ y tế, với hậu phương của họ là điều không nên. Người dân phải biết sợ để tránh nhưng sợ một cách thái quá dẫn đến kỳ thì lại là điều không nên. Tôi mong xã hội hãy chia sẻ với ngành y tế, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng tôi ở tuyến đầu”, TS Hùng nhấn mạnh.

Tại phía Bắc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh hiện là nơi tập trung điều trị chính các trường hợp mắc Covid-19. Tại đây đã ghi nhận 2 bác sĩ bị lây nhiễm khi làm thủ thuật đặt nội khí quản cho bệnh nhân. 

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đến sáng 29/3 cũng đã ghi nhận 16 ca mắc liên quan trong đó gồm 2 điều dưỡng y tế, 2 bệnh nhân, 7 người làm công khu dịch vụ, 4 người vào chăm bệnh nhân, con gái một điều dưỡng mắc Covid-19. Bệnh viện hiện trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập. 

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam kêu gọi người dân hãy đồng hành với cán bộ y tế. Hiện nay, hàng trăm ngàn bác sĩ đang trực tiếp có mặt trên các tuyến đầu, không quản hy sinh, khó khăn, trực tiếp điều trị cho người bệnh.

 “Các y bác sĩ đang phải toàn tâm, toàn trí cứu tính mạng người bệnh, hy sinh quên mình, tự nguyện cách ly với gia đình, chấp nhận chịu những rủi ro nghề nghiệp. Vì thế, người dân hãy đồng hành với chúng tôi bằng những hành động thiết thực”, PGS Bình chia sẻ. 

Cụ thể, không kỳ thị, sử dụng khẩu trang vải, nhường khẩu trang y tế cho cán bộ y tế, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiết kiệm, không tích lũy lương thực, không đưa tin hoang mang thất thiệt, tuân thủ quy định hạn chế tiếp xúc, rửa tay, súc họng thường xuyên, vệ sinh môi trường, tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe. 

Nếu có ho sốt, đau họng gọi ngay đến đường dây nóng Bộ Y tế.

Virus SARS-COV-2 ngoài lây truyền từ động vật sang người, còn có khả năng lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền qua khí dung trong không khí, đặc biệt tại cơ sở y tế. Cho tới nay, lây truyền theo đường phân-miệng chưa có bằng chứng rõ ràng.

Nam Phương