1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chiến sĩ cảnh sát nghiến răng chịu đau để cứu trẻ bị co giật: Sơ cứu đã đúng cách?

(Dân trí) - Nhiều người thấy được sự nhân văn qua câu chuyện người cảnh sát cơ động nghiến răng chịu đau khi anh đưa ngón tay vào miệng em bé bị lên cơn co giật khi đang xem đá bóng. Các bác sĩ hướng dẫn cộng đồng cách cấp cứu xử trí đúng tốt nhất cho người bệnh.

Theo các bác sĩ BV Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh anh cảnh sát cơ động cắn răng chịu đau đưa ngón tay vào miệng của em bé bị co giật thật đẹp và ý nghĩa, nhưng nếu một ngày phụ huynh có con cháu co giật, xin đừng cho tay, vật cứng vào miệng trẻ vì  có thể gây hại cho các bé.

Chiến sĩ cảnh sát nghiến răng chịu đau để cứu trẻ bị co giật: Sơ cứu đã đúng cách? - 1

Xử trí tốt nhất khi thấy người bỗng dưng co giật, đó là để nạn nhân giật một cách tự nhiên, không cố ôm, giữ, tì đè nạn nhân bởi việc ôm, giữ cũng không khiến nạn nhân hết cơn giật, thậm chí có thể gây chấn thương cho bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trong thực tế cấp cứu người co giật, rất nhiều người dùng đũa ngáng ngang miệng vì sợ bệnh nhân cắn lưỡi; cho tay vào miệng trẻ và chịu đau đớn vì cơn giật trẻ nghiến răng mạnh.

Đây cũng là một sai lầm thường gặp của cha mẹ khi xử lý tình huống con bị sốt cao co giật. Thực tế, sơ cứu đúng, đó là tuyệt đối không cho ngón tay vào miệng bé dù trẻ đang cắn giật giật (trẻ có thể cắn nát ngón tay, việc này cũng không có ý nghĩa gì trong cấp cứu).

TS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi gặp một người bỗng nhiên lên cơn co giật, đầu tiên, hãy tạo cho một bệnh nhân tư thế an toàn.

Theo đó, hãy bình tĩnh đặt trẻ nằm nghiêng. Khi trẻ được nằm nghiêng, đường thở sẽ được thông thoáng, nếu có đờm dãi thì sẽ chảy ra ngoài, không bị rơi vào phổi tắc thở rất nguy hiểm.

Tạo một môi trường an toàn cho trẻ, để khăn mềm dưới đầu bảo vệ đầu. Không xúm xít quanh trẻ mà hãy giãn ra xung quanh để trẻ có môi trường thông thoáng.

Sau đó cần gọi người hỗ trợ và gọi ngay dịch vụ cấp cứu y tế tới (bằng điện thoại). Để môi trường xung quanh được thông thoáng và nới rộng quần áo cho bệnh nhân.

Sau vài giây đến vài phút thì cơn giật động kinh tự hết và bệnh nhân tỉnh lại.

"Tuyệt đối không cho vật cứng vào miệng trẻ, không tiêm hay chọc đầu ngón tay vào miệng trẻ", TS Chính khuyến cáo.

Sau khi hết co giật, tiến hành kiểm tra xem nạn nhân còn thở, còn mạch hay không. Trong trường hợp nạn nhân không có mạch hoặc/và ngừng thở, nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim thổi ngạt. Hãy nhớ luôn gọi người hỗ trợ, cấp cứu.

PGS Dũng cho biết thêm, trong trường hợp nếu trẻ co giật do sốt, đừng vội vàng nhét thuốc, đổ thuốc hạ sốt vào miệng trẻ lúc này vì có thể gây sặc.

Vẫn trong tư thế nằm nghiêng này, nếu trẻ đang mặc nhiều đồ, mặc đồ chật thì nên nới rộng. Hãy cố gắng bình tĩnh, chỉ một vài chục giây trẻ sẽ hết giật.

Mọi người trong gia đình cũng không nên vây quanh bé mà hãy tản ra, để bé có không khí để thở. Mở thoáng cửa để hạ nhiệt độ không khí xuống.

Sau cơn giật hãy hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt (nhét hoặc uống) tại nhà, chườm mát bằng nước ấm vào các vùng vùng nách, bẹn (vì vùng này có nhiều mạch máu), đắp, lau thấy khăn ấm lên là thay , lau đắp liên tục tới khi thuốc ngấm và hạ sốt, sau khi trẻ hạ sốt an toàn hãy đưa con đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra.

Hồng Hải