Chị em dễ viêm nhiễm vùng kín vì thứ rất phổ biến trong nhà tắm

Hà An

(Dân trí) - BS sản khoa Lê Thị Kim Dung cho biết, nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng viêm nhiễm, khô rát vùng âm đạo vì thói quen tưởng như vô hại, xịt rửa bằng vòi mạnh vào vùng kín.

Phát nản vì viêm nhiễm tái đi tái lại

Thông tin trên được bác sĩ Dung chia sẻ tại buổi tọa đàm "Lựa chọn điều phù hợp cho nàng 45+ cân bằng và hạnh phúc" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo BS Dung, phụ nữ bước vào tuổi trung niên có nhiều thay đổi về sức khỏe tâm lý và sức khỏe phụ khoa.

Trong giai đoạn này, người phụ nữ có những thay đổi về ngoại hình cơ thể, tăng cân, các vấn đề tâm lý xã hội. Đồng thời, giai đoạn này cũng là thời gian khởi phát các bệnh mãn tính và rối loạn ở bộ phận sinh sản nữ.

Chị em dễ viêm nhiễm vùng kín vì thứ rất phổ biến trong nhà tắm - 1

Bước vào tuổi trung niên, phụ nữ dễ gặp các rắc rối do suy giảm estrogen (Ảnh minh họa: Getty).

"Tuổi sinh sản của phụ nữ, cũng là tuổi thăng hoa nhất về tình dục, là giai đoạn từ dậy thì đến 35 tuổi.

Từ lứa tuổi ngoài 40, đặc biệt từ 48-53 tuổi, người phụ nữ ở trong giai đoạn mãn kinh có sự suy giảm về estrogen. Lúc này, 2 buồng trứng không điều tiết được nội tiết cho phụ nữ để đảm bảo được nhu cầu tình dục cũng như là sinh sản nữa, chị em bước vào giai đoạn "khô hạn", giảm ham muốn tình dục", BS Dung thông tin.

Lúc này, bệnh phụ khoa bắt đầu "tấn công" chị em, kể cả khi không còn quan hệ tình dục nhiều, do độ PH vùng âm đạo thay đổi. Độ pH thay đổi cao hơn, axit nhiều hơn không chỉ khiến chị em "khô hạn" đến sợ chuyện ấy, mà nó cũng là tác nhân khiến chị em dễ bị nhiễm nấm âm đạo tái diễn liên tục.

"Có nhiều chị em đi khám phụ khoa thành quen mặt, cứ dừng thuốc lại bị. Bởi các thói quen sai lầm trong dinh dưỡng, trong vệ sinh vùng kín", BS Dung khuyến cáo.

Vệ sinh vùng kín đúng cách như thế nào?

Dấu hiệu tiền mãn kinh là có sự rối loạn kinh nguyệt, khô hạn khi quan hệ với chồng, tóc rụng, da khô… Dấu hiệu đó mà chúng ta thấy thì cần tìm cách làm cho thời gian mãn kinh không tệ hại, chứ không thể ngăn mãn kinh.

Trong giai đoạn này, chị em còn bị mất ngủ, ra mồ hôi ướt đẫm về đêm… do thiếu hụt estrogen. Vì thế, ngoài việc bổ sung estrogen toàn thân để cải thiện dịch tiết tốt hơn, không để lây nhiễm bệnh qua quan hệ tình dục, chăm sóc vùng kín đúng cách rất quan trọng, giúp cân bằng pH âm đạo.

"Khi bác sĩ kê thêm dung dịch rửa vệ sinh - là một phần của điều trị, nhiều chị em bỏ qua vì nghĩ không quan trọng", BS Dung lưu ý.

Trong khi đó, dung dịch vệ sinh không chỉ giúp làm sạch, mà với độ pH trung tính tương thích pH sinh lý độ tuổi trung niên, được bổ sung acid lactic, vốn là thành phần tự nhiên có trong âm đạo, sinh ra bởi lợi khuẩn lactobacillus giúp cân bằng pH.

"Khi độ pH cân bằng sẽ giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại và nấm candida. Vì vậy, khi khám bệnh, các bác sĩ phụ khoa khi kê đơn dung dịch vệ sinh để giúp kiềm hóa. giảm độ pH", BS Dung khuyến cáo.

Đặc biệt, thói quen thụt rửa âm đạo cũng cần bỏ. Nhiều chị em khi vệ sinh có thói quen thụt rửa, xịt vòi nước mạnh vào vùng kín… dễ khiến "hàng họ" hỏng hết vì khô rát. Chỉ cần rửa bên ngoài đảm bảo vệ sinh sạch sẽ vùng kín với dung dịch vệ sinh có độ pH trung tính sẽ giúp giảm tình trạng khô nóng vùng âm đạo.

Bên cạnh đó, chị em lứa tuổi 45-50 cũng cần chú ý đến sức khỏe toàn thân, đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Đây là hai căn bệnh gặp nhiều ở nữ giới, phát hiện sớm, chữa sớm, tỉ lệ khỏi cao.

Về chế độ ăn, nếu ăn nhiều thịt, ăn nhiều dưa chua, nhiều hoa quả lên men thì độ pH cũng tăng. Vì vậy, cần sử dụng các thực phẩm có vi khuẩn có lợi. Chị em cũng cần duy trì thể dục đều đặn, ít nhất 60 phút mỗi ngày để có được sức khỏe tốt nhất.