1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chết oan vì tin cách thử vết cắn không phải do chó dại của thầy lang

(Dân trí) - Một bé trai 12 tuổi đã tử vong oan ức vì gia đình không đưa đi tiêm phòng sau khi thầy lang nói vết cắn nơi bắp chân của bệnh nhi không phải là của chó dại.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cảnh báo, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh bị lên cơn dại do chó cắn và không có cách gì cứu chữa. Đáng nói, trong đó, nhiều trường hợp vì tin cách "thử" vết cắn có phải do chó dại không của thầy lang nên đã mặc nhiên bỏ qua tiêm phòng.

Ánh mắt thẳng thốt, những cơn khó thở co rít thanh quản mỗi khi sợ gió, sợ nước của cậu bé 12 tuổi N.H.H (Kiến Xương, Thái Bình) ám ảnh nhiều bác sĩ khi cấp cứu, tiếp nhận em. Ngày 17/5, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện trong tình trạnh vật vã, kích thích, khó thở... và chỉ sau một ngày, gia đình đành đưa em về chờ chết vì y học bó tay khi đã lên cơn  dại.
"Nỗi ám ảnh lớn nhất chính là hình ảnh bệnh nhân lên cơn dại, họ vật vã, kích thích, khó thở, sợ nước, sợ gió, rít lên từng hồi... nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo. Họ ý thức được mình sẽ chết nhưng cả bệnh nhân, thầy thuốc đều bất lực", BS Cấp nói.

Người nhà bệnh cho cho biết, trước khi nhập viện 26 ngày, em H. bị chó cắn vào bắp chân. Cũng lo lắng con chó bị dại, sau khi bị chó cắn 7 ngày, gia đình tính chuyện cho em đi tiêm vắc xin phòng dại, nhưng lo ngại con bị "ngơ ngơ" vì tiêm phòng nên đã quyết định đi xác định vết cắn có phải chó dại cắn hay không của một thầy lang được giới thiệu.

Sau khi chà một loại lá vào vết cắn, thầy lang phán đây là chó lành cắn, không cần phải tiêm phòng, gia đình đã tin lời thầy đưa em về, không cho tiêm phòng và thịt luôn con chó này để chó không còn cắn người.

Về nhà, thấy vết cắn cũng xe miệng, dần mờ đi, trong khi con cũng vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nên gia đình cũng yên tâm, không nghĩ gì đến nguy cơ bị dại. Tuy nhiên, sau 26 ngày chó cắn, bệnh nhi bắt đầu không ngủ được, vật vã, kích thích, sợ nước, sợ gió. Gia đình đưa vào bệnh viện Nhi Thái Bình khám, được xác định dại và chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 17/5. Sau một ngày nằm viện, gia đình đau đớn đưa em về chờ chết.

BS Cấp cho biết, trước đó tại Khoa, một nam bệnh nhân ở Sóc Sơn cũng tử vong vì lên cơn dại, do tin lời thầy lang phán không bị chó dại cắn.

Theo đó, thầy lang cũng dùng một loại lá chà xát vào vết cắn và kết luận phán bệnh nhân không bị chó dại cắn. Cũng vì tin lời thầy lang nên bệnh nhân đã không tiêm phòng, và cũng đã lên cơn dại, không thể cứu chữa.

“Trên một số phương tiện truyền thông, vẫn có những bài viết về những thầy lang có khả năng dùng một loại lá cây thử trên da (tại vết chó cắn) của người bị chó, mèo cắn là có thể xác định họ có bị nhiễm vi rút dại không, qua đó giúp người bị chó cắn không phải đi tiêm phòng là rất nguy hiểm. Bởi bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn có mang vi rút dại hay không, mà cần theo dõi con chó khi có hiện tượng ốm là phải kịp thời được tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại. Tốt nhất là nên tư vấn bác sĩ để được hướng dẫn tiêm phòng phù hợp”, BS Cấp nói.

Theo BS Cấp, người dân vẫn khá chủ quan khi bị chó cắn. Nhiều người bị chó mèo cắn mà không theo dõi chó, không đi tiêm vắc xin phòng dại. Thậm chí chó ốm thì giết thịt, bị chó hoang cắn thì đập chết. Điều này rất nguy hiểm bởi khi bị chó mang vi rút dại cắn, thời gian ủ bệnh khác nhau ở mỗi người. Nhưng sớm nhất cũng phải 2 - 3 tuần mới bắt đầu có biểu hiện, có người ủ bệnh đến hàng năm mới lên cơn dại và khi đã lên cơn dại thì không có cách gì cứu sống người bệnh.

Nếu không may bị chó dại cắn mà được tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong. Còn không tiêm phòng, khi đã lên cơn dại không có cách gì cứu sống người bệnh mà chỉ kéo dài sự sống được vài ngày.

“Y học hiện nay chưa thể chẩn đoán được liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không. Vì thế, nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì nên vừa tiêm phòng vừa theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Nếu đến lúc đấy mà con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Vắc xin phòng dại hiện nay cũng là vắc xin mới, không có những di chứng tác động đến thần kinh như nhiều người lầm tưởng. Vì thế, với những vết thương phức tạp vùng đầu cổ, bộ phận sinh dục… thì việc đi khám, tư vấn để kịp thời tiêm phòng là vô cùng quan trọng. Tuyệt đối không nghe lời “phán” của thầy lang bởi không có những căn cứ khoa học, thực tế đã có những ca bệnh tử vong vì dại sau khi thầy “phán” không phải chó dại cắn”, BS Cấp cảnh báo.

Hồng Hải