Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy cấp
Tiêu chảy có khả năng lây lan cao hơn gây hậu quả nguy hiểm hơn trong giai đoạn thời tiết giao mùa với khí hậu nóng nực và ẩm ướt. Vậy tiêu chảy cấp là gì? Và các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào để phòng và điều trị tiêu chảy cấp?
Thế nào là tiêu chảy cấp?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy như ngộ độc thực phẩm do Salmonella, tụ cầu, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, ký sinh trùng, hóa chất độc hại hay do ăn uống không hợp vệ sinh gây ra.
Nếu các bà mẹ thấy con mình đi phân lỏng 3 lần trong một ngày và dưới 14 ngày, thường là dưới 7 ngày, phân không thấy máu; trẻ sốt, khát nước, biếng ăn, nôn trớ, đau bụng thì có thể kết luận bé đã bị tiêu chảy cấp.
Theo các chuyên gia của Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh - Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc sinh hoạt, ăn uống không vệ sinh cộng thêm thời tiết giao mùa khiến tiêu chảy cấp lây lan nhanh hơn. Thông thường tiêu chảy lây truyền bằng đường phân - miệng thông qua thức ăn, nước uống ô nhiễm hay do trẻ tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, việc không rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi ăn hay để trẻ bò chơi ở vùng đất bẩn có dính phân người hoặc phân gia súc cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh này.
Ngoài ra, việc không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 - 6 tháng đầu, cai sữa trước 1 tuổi hay cho trẻ ti bình cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
Đặc biệt, các chuyên gia của Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh cảnh báo rằng, những trẻ bị suy dinh dưỡng nhất là những trẻ suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ mắc tiêu chảy kéo dài và nặng hơn, dễ bị tử vong hơn so với những trẻ khác.
Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em thông qua chế độ dinh dưỡng
Để rút ngắn thời gian mắc bệnh tiêu chảy, giảm bớt tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong, phải bổ sung nước và điện giải bằng đường uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nuôi dưỡng có tác dụng thúc đẩy sự phục hồi sớm niêm mạc ruột, làm cho chức năng tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng chóng phục hồi, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần nhanh chóng bù nước, điện giải cho trẻ bị tiêu chảy. Càng tiêu chảy nhiều càng phải cho uống nhiều nước và ưu tiên uống các loại nước như: nước rau, nước cháo, nước quả tươi, Oresol…
Đối với những trẻ có dấu hiệu mất nước, các bậc cha mẹ cần lập tức cho trẻ uống Oresol theo liều lượng như sau: trẻ dưới 2 tuổi uống 50 - 100ml; trẻ từ 2 đến 10 tuổi uống 100 - 200ml; trẻ trên 10 tuổi uống theo nhu cầu. Lưu ý, số lượng dung dịch cần uống (ml) = cân nặng (kg) của trẻ x 75.
Thứ hai, về việc lựa chọn thực phẩm cho trẻ bị tiêu chảy cấp: Tuyệt đối không cho trẻ ăn cháo muối hoặc bột muối. Cho ăn đầy đủ bốn nhóm thực phẩm như hàng ngày. Không cho trẻ ăn những thực phẩm cứng như rau già, thịt nhiều gân xơ...Nên dùng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như: trứng tươi, cá tươi, thịt nạc tươi…Các thực phẩm có tác dụng điều trị tiêu chảy tốt như cà rốt, chuối ương, hồng xiêm cũng cần ưu tiên cho trẻ dùng.
Đặc biệt, tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn chứa nhiều đường vì chúng có thể làm tăng tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu trong đường ruột, kéo theo nước trong tế bào vào lòng ruột.
Đối với những trẻ đang bú sữa mẹ nhưng mẹ lại không có sữa thì cần cho trẻ uống và ăn như trẻ cùng độ tuổi có sữa mẹ. Lưu ý thay bữa sữa mẹ bằng sữa bò hoặc sữa đậu nành với công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn, nhưng pha loãng ½ trong vòng 2 ngày.
Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để sử dụng chế độ ăn thích hợp. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú. Trẻ ngoài 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ và sữa thay thế cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt tươi, cá tươi, trứng tươi, sữa...và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần ăn.
Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm...để tăng thêm lượng kali, beta, caroten, vitamin C...
Bên cạnh đó, cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ ngày hoặc nhiều hơn. Để giúp cho trẻ phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng, sau khi khỏi tiêu chảy cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong vòng 2 tuần liền.
Đặc biệt, cần chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng toàn diện và hợp lý để trẻ phát triển một cách tối ưu, có sức đề kháng tốt đối với bệnh tật.
Để được khám và tư vấn cụ thể cho từng trường hợp các mẹ có thể đưa bé đến khám và tư vấn tại Phòng khám Dinh dưỡng 70 Nguyễn Chí Thanh – Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
Phòng khám Dinh dưỡng thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng đặt tại tầng 1, tòa nhà 5 tầng, số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội là nơi Tư vấn & Xây dựng chế độ ăn cho mọi lứa tuổi, theo tình trạng bệnh lý (Biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng; Thiếu vi chất dinh dưỡng; Kém hấp thu, phân sống; thừa cân, béo phì; Nôn trớ, táo bón; Tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài…); Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, Xây dựng thực đơn cho từng đối tượng, Đào tạo & Tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ… Phòng khám Dinh dưỡng đã và đang hoàn thành sứ mệnh chăm sóc nhân dân. Chương trình khám tư vấn miễn phí 100% diễn ra trong 3 ngày 6/3, 7/3 & 8/3 nhân dịp Quốc tế Phụ nữ. Thông tin chi tiết liên hệ 0432595938 || 0432595962 hoặc truy cập website www.phongkhamdinhduong.vn |