1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cháy nhà trọ ở Trung Kính: Khăn ướt cứu mạng người như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Giây phút quyết định, hai vợ chồng nạn nhân kiếm nhiều lớp khăn/vải thấm nước, quấn thành nhiều lớp để che lên miệng và mũi rồi ở nguyên trong nhà.

Khăn ướt cứu mạng người trong vụ cháy

2 trong số những nạn nhân hiếm hoi của vụ cháy được cứu hộ thành công với rất ít thương tích là vợ chồng anh N.T.K. (35 tuổi) và chị N.T.X. (30 tuổi).

Nhớ lại thời điểm xảy ra vụ cháy, anh K. cho biết, mình từng học được những kinh nghiệm thoát nạn sau nhiều vụ hỏa hoạn. Do đó, anh K. hiểu rằng "nếu chạy ra ngoài thì sẽ chết".

Giây phút quyết định, hai vợ chồng anh kiếm nhiều lớp khăn/vải thấm nước, quấn thành nhiều lớp để che lên miệng và mũi rồi ở nguyên trong nhà.

Cháy nhà trọ ở Trung Kính: Khăn ướt cứu mạng người như thế nào? - 1

Anh K. đang được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Nguyễn Hải).

Sau khoảng một tiếng, lực lượng cứu nạn tiếp cận hiện trường. Họ được đưa ra ngoài và được cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải.

Theo các chuyên gia, việc dùng vải thấm nước che lên miệng và mũi là một trong những cách hiệu quả để chống lại "sát thủ" nguy hiểm bậc nhất của đám cháy: Khói độc.

Điều đầu tiên cần biết là khói cùng khí độc thoát ra từ đám cháy chính là sát thủ giết người nhiều nhất, nhiều hơn cả chết do lửa thiêu hoặc bị bỏng.

Kiến trúc nhà ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến kiểu xây cao tầng. Đặc biệt ở những thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc, những tòa nhà thường được thiết kế như một chiếc hộp, ít cửa sổ thông thoáng.

Khi hỏa hoạn xảy ra sẽ làm phát sinh nhiều khí ngạt Cyanure. Thêm vào đó, vật liệu xây dựng hay nội thất trong nhà ngày nay đa số được làm từ nhựa, nên khi bốc cháy cũng có thể sinh ra nhiều loại khí độc khác nhau.

Cụ thể, nhựa polymer sẽ sinh ra khí carbon monoxide (CO), nhựa PVC sinh ra khí Hydrogen chloride (HCl). Các loại vật liệu bằng len, vải, nylon, polyurethane, urea-formaldehyde, acrylic fibre... khi cháy sẽ sinh ra khí HCN, khí NH3 (amoniac), NO, COCl2...

Khói khiến nạn nhân bị cản trở tầm nhìn, còn khí độc chứa rất nhiều CO, NH3, HCN,… mà hít phải dù ít cũng có thể làm hệ thần kinh của nạn nhân cũng tổn thương nặng và tử vong.

CO là khí gây ngạt, khi con người hít vào, nó kết hợp với huyết sắc tố, một loại protein có trong tế bào hồng cầu, ngăn không cho nó vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. 

Đặc biệt, nếu trong quá trình chúng ta đang ngủ, đám cháy xảy ra và cơ thể hít phải loại khí này, các triệu chứng xuất hiện trong vòng vài giây hoặc vài phút, chúng không đủ để đánh thức ta dậy và theo thời gian sẽ dẫn đến cái chết.

Thực tế trong vụ cháy chung cư mini xảy ra vào tháng 9/2023, nhiều nạn nhân đã bị ngộ độc khí CO, thậm chí có người tổn thương nặng nề, phải điều trị lâu dài.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, nơi tiếp nhận 26 người thương vong trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội (trong đó 2 người tử vong ngoại viện), hầu hết các bệnh nhân ngộ độc khí CO. 

Theo BS Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khí CO ngoài gây tổn thương trực tiếp còn có thể gây tổn thương não về sau này. 

Cũng theo BS Hà, các nạn nhân trong vụ cháy sẽ đối mặt với các nguy cơ:

Thứ nhất là ngạt khói, gây tử vong do thiếu oxy tại chỗ, ngộ độc khí CO. Đặc biệt những trường hợp cháy trong thời gian dài, nếu người dân ở trong phòng kín lâu, ngoài khói còn khí CO dễ gây ngộ độc. 

Thứ 2 là nhiệt độ cao gây ra bỏng cấp, bỏng da, bỏng đường thở, nhiệt cao gây phù nề đường thở thậm chí có thể dẫn đến tử vong. 

Thứ 3 là các trường hợp bị chấn thương do nhảy hoặc ngã từ trên cao xuống, va đập trong lúc chạy khỏi đám cháy. 

Nguyên tắc sống còn trong đám cháy

Nguyên tắc đầu tiên để thoát hiểm trong đám cháy, theo Hiệp hội Chống hỏa hoạn Quốc gia Mỹ (NFPA), là dùng một chiếc khăn hoặc miếng vải ẩm để che mũi và miệng.

Hãy nhớ thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng để tránh làm bỏng đường hô hấp. Bằng cách này, bạn có thể giảm bớt lượng khói và khí độc xâm nhập vào cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ bỏng đường hô hấp.

Cháy nhà trọ ở Trung Kính: Khăn ướt cứu mạng người như thế nào? - 2

Nguyên tắc đầu tiên để thoát hiểm trong đám cháy, theo Hiệp hội Chống hỏa hoạn Quốc gia Mỹ (NFPA), là dùng một chiếc khăn hoặc miếng vải ẩm để che mũi và miệng (Ảnh: Dall-E).

Sử dụng khăn hoặc vải ẩm để che mũi và miệng còn giúp hạn chế tiếp xúc với các hạt bồ hóng và muội, cùng các thành phần hữu cơ chưa cháy hết. Sức nóng tập trung mạnh nhất ở trần nhà, vì vậy bạn nên cúi thấp người hoặc bò men theo tường để tìm đến cầu thang hoặc lối thoát hiểm.

Ngoài ra, do sức nóng trong đám cháy sẽ ngày càng tăng, bạn có thể làm ướt chăn hoặc mền và trùm lên cơ thể để tránh bị bỏng. Sau đó, hãy nhanh chóng chạy ra khỏi đám cháy. Mặc dù đây chỉ là các giải pháp tạm thời, nhưng chúng có thể giúp bạn có thêm thời gian để thoát hiểm hoặc chờ đội cứu hộ đến.