Chất tạo đục chứa DEHP có thể nằm ở phần gia vị của gói mì
Trước những thông tin dồn dập về sản phẩm mì gói có chứa DEHP tại các nước Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, ngày 16/6, thanh tra sở Y tế TPHCM cho biết đã lấy mẫu mì Shin Ramen, Shin Ramyun của Hàn Quốc và một số loại khác để đi kiểm nghiệm và đang chờ kết quả.
Ảnh minh họa
Sở cũng đang tiếp tục kiểm tra và kiểm nghiệm các loại thực phẩm nghi nhiễm DEHP, DINP và yêu cầu các doanh nghiệp tự đi kiểm tra và báo cáo.
Trong khi đó, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng thuộc bộ Y tế vẫn chưa có đầy đủ danh mục các loại thực phẩm có khả năng chứa chất tạo đục để khuyến cáo người tiêu dùng.
Bà Bùi Phương Mai, người phụ trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty Vifon, nhận định chất tạo đục có trong mì gói có thể nằm ở phần gia vị ở dạng đã chế biến thành nước xốt sệt hoặc dạng bột khi cho vào tô mì tạo nước dùng sệt, còn phần vắt mì khô, dù hấp hay chiên, ít có khả năng có chất này. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng trong vắt mì lại có các thành phần khác không tốt cho sức khoẻ như chất tạo xốp, chất tạo màu, chất bảo quản… Nếu nhà sản xuất cố tình dùng không đúng loại thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
Một sản phẩm khác có khả năng chứa chất tạo đục nhiều hơn là bánh phở, hủ tíu. Tinh bột khi được làm chín đều có độ trong, nhìn không ngon mắt, nếu cho thêm chất tạo đục vào sẽ làm cho sản phẩm có màu trắng đục đẹp hơn. Tương tự, các loại tương ớt, tương cà cũng có thể chứa chất tạo đục và phẩm màu, chất bảo quản. Đáng chú ý là những chất tạo màu thiên nhiên cho sắc cam, sắc đỏ như beta caroten lấy từ càrốt, lycopen trong cà chua giá rất cao nên nhà sản xuất dễ thay thế bằng màu tổng hợp giá rẻ hơn. Có những màu tổng hợp được phép dùng trong thực phẩm, có những màu tổng hợp chỉ được dùng trong công nghiệp.
Người tiêu dùng có thể phân biệt được trong quá trình sử dụng và chế biến, với loại mì khi luộc cho ra màu vàng đậm, thậm chí nếu màu vàng bám vào cả nồi, dụng cụ làm bếp thì đó là màu tổng hợp công nghiệp. Nếm nước luộc mì, tinh ý sẽ nhận ra vị chát và hơi nhẩn, dù rất nhẹ. Các loại tương ớt tương cà, sau khi ăn nếu màu bám vào răng, lưỡi thì đó cũng là màu tổng hợp không tốt cho sức khoẻ.
Theo thông tin từ The Asia one, ngày 13/6, Bộ Y Tế Malaysia khuyến cáo người dân không nên mua mì gói Shin Ramyun và Shin Ramen vì nghi chứa DEHP và DINP. Đây là sản phẩm Hàn Quốc sản xuất tại Đài Loan. Hiện hàm lượng và nồng độ của hai hóa chất trên chưa được công bố, nhưng bộ Y tế Malaysia đã thu hồi các sản phẩm trên và cho tiến hành kiểm tra chặt chẽ.
Trước đó, ngày 12/6, theo WantChinatimes.com dẫn lại thông tin từ Ming Pao, nhật báo phát hành ở Hong Kong, tại Hong Kong cơ quan chức năng đã lấy mười mẫu mì gói sản xuất tại Trung Quốc và phát hiện bốn mẫu mì gói chứa chất tạo đục, gồm: mì bò được siêu thị Welcome Market đặt sản xuất có chứa DEHP cao gấp 53 lần mức độ an toàn. Mì gói Shin Ramyun hương vị nấm, sản phẩm Hàn Quốc, được sản xuất tại Thượng Hải, chứa 1,3 phần triệu (ppm), DEHP (tỷ lệ trong giới hạn an toàn nhưng ở mức cao nhất). Mì gói Nissin Taisho Yakisoba, sản phẩm Nhật Bản, sản xuất tại Thượng Hải, chứa hàm lượng 2,3ppm, cao hơn mức an toàn cho phép của WTO (mức 1,5ppm).
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, chi cục phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết: hiện T.HCM chưa có thông tin cảnh báo của nước ngoài hay của bộ Y tế về loại mì gói có chứa chất DEHP và chất DINP. Do đó, sở Y tế sẽ chờ kết quả kiểm nghiệm chính xác, sau đó mới cập nhật thông tin và xử lý. |
Theo Khởi Thức - Bích Thuỷ - Hoàng Nhung
Sài Gòn tiếp thị