Hậu Giang:

Chất lượng an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề nan giải

(Dân trí) - Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Hậu Giang đánh giá, do nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn thấp và đôi khi chạy theo lợi nhuận đã cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong một hội nghị mới đây về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, một báo cáo của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm gần đây, ngành y tế phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, kẹo mút phát quang có chứa PAH (một chất cực độc có thể gây ung thư), thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO chứa DEHP (chất phụ gia tạo đục chưa cho phép sử dụng trong thực phẩm), tinopal trong bún, phở đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mặt khác, về nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn thấp. Đôi khi chạy theo lợi nhuận, cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, thực phẩm không đạt chất lượng mà người tiêu dùng không biết hoặc biết không đầy đủ về chất lượng an toàn thực phẩm nên đã sử dụng do chính họ làm ra.

Một lãnh đạo Sở Y tế Hậu Giang nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Những vấn đề nêu trên đã tác động tiêu cực và gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một vấn đề hết sức bức xúc không chỉ của tỉnh Hậu Giang mà còn của cả nước.

Một vụ ngộ độc thực phẩm ở Hậu Giang năm 2014.
Một vụ ngộ độc thực phẩm ở Hậu Giang năm 2014.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, trong quý 4/2013 và năm 2014, ngành Y tế tỉnh đã thành lập gần 3.000 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Trong đó, các đoàn kiểm tra đã phát hiện trên 1.200 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Cũng theo lãnh đạo Sở này, mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực này còn chưa cao.

Nguyên nhân tồn tại vấn đề trên được ngành Y tế Hậu Giang đưa ra là do trên địa bàn tỉnh có trên 4.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng hóa, ăn uống và các dịch vụ có liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm…và chủ yếu là các điểm nhỏ lẻ. Thêm vào đó là thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân thích mua hàng tại các điểm thuận tiện, mua hàng giá rẻ…Do đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, để phát hiện các vi phạm về chất lượng thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải đình chỉ lưu thông hàng hóa nghi có vi phạm và trường hợp không phát hiện mẫu vi phạm sẽ gây nhiều khó khăn cho cơ sở, kéo theo trách nhiệm pháp lý của cơ quan chức năng trong việc làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của cơ sở đó. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang lại chưa có phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn để kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thiếu trang bị kiểm tra nhanh tại chỗ.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, nguyên nhân tồn tại thực trạng mất an toàn thực phẩm là do lực lượng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm quá mỏng, chưa đủ khả năng kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm; kinh phí cho hoạt động thanh, kiểm tra tra có hạn nên việc thanh, kiểm tra thiếu thường xuyên, chỉ tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đủ sức răn đe người vi phạm dẫn đến thi hành pháp luật chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, còn hiện tượng các cơ sở vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt. Trong khi chi phí cưỡng chế còn hạn chế, bởi theo quy định thì chi phí cưỡng chế do người, cơ sở vi phạm chịu nhưng lại không thu được. Nếu dùng ngân sách thì vi phạm luật, nếu không dùng thì không có nguồn để thực hiện. Qua đợt thanh tra dịp Tết Nguyên đán vừa qua, còn 3 cơ sở không đóng phạt với số tiền trên 44 triệu đồng cũng vì nguyên nhân này.

Một nguyên nhân nữa là do ý thức của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Mặt khác do tác động bởi cám dỗ lợi nhuận nên trở nên vô cảm với cộng đồng, do đó, các cơ sở vi phạm và cố tình vi phạm vẫn còn nhiều.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho rằng, một phần giải pháp để tháo gỡ những tồn tại về an toàn thực phẩm cần tăng cường tuyên truyền nhận thức, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kết hợp đưa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở vi phạm để răn đe. 

                                                                                                Huỳnh Hải