Chàng trai 29 tuổi phải ăn qua ống thông dạ dày vì nguyên nhân không ngờ
(Dân trí) - Bệnh nhân đến khám tại 4 bệnh viện mới biết nguyên nhân gây tức ngực, nuốt đau là do dị vật làm thủng thực quản. Đây là một miếng nhựa có hình ngôi sao 5 cánh.
Bệnh nhân nam 29 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương vào Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức với chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa. Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh dị vật nằm ở vị trí thực quản ngực-đoạn giữa, kích thước khoảng 30mm.
Trước đó vài ngày, sau một bữa ăn anh D. thấy đau ngực, nuốt đau, không ăn được nên đã đi khám nội soi ở một phòng khám tư nhân nhưng không soi được. Sau đó, anh đến một bệnh viện khám và được nội soi thì được chẩn đoán bị viêm thực quản trào ngược, cho thuốc uống thuốc.
Tuy nhiên, sau đó anh vẫn thấy tức ngực, khó nuốt nên tiếp tục đến khám tại một bệnh viện khác. Bác sĩ phát hiện có dị vật song không gặp được nên chuyển anh đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Ths.BS Đỗ Trọng Khiếu, Phó khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng đau tức ngực, nuốt đau, hạch cổ sưng to và được chỉ định can thiệp nội soi lấy dị vật. Dị vật được lấy ra là một miếng nhựa có hình ngôi sao 5 cánh, kích thước 30mm, 2 cánh sắc nhọn của dị vật cắm vào hai bên thành thực quản, gây thủng thực quản. Lỗ thủng kích thước khoảng 7mm, bờ lỗ thủng tương đối gọn.
Sau đó, các bác sĩ quyết định mở thông dạ dày qua nội soi. Đây là một thủ thuật nội soi can thiệp nhằm mục đích nuôi dưỡng cho bệnh nhân, tránh việc lưu thông thức ăn qua thực quản bị tổn thương, thức ăn có thể chui qua lỗ thủng tạo nên áp xe quanh thực quản, áp xe trung thất. Khi tổn thương đã liền sẹo, không còn lỗ thủng sonde nuôi ăn sẽ được loại bỏ, bệnh nhân lại có thể ăn uống bằng đường miệng bình thường.
Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Phẫu thuật cấp cứu Tiêu hóa. Hiện bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện trong 2,3 ngày tới.
Ths.Bs Chu Nhật Minh, Trưởng khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ở mọi lứa tuổi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nhưng thường gặp ở người già và trẻ em. Dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng ở đoạn thực quản là hay gặp nhất. Dị vật thường là các xương động vật (xương gà, xương vịt, xương cá…), thậm chí là cả miếng thịt; các dị vật trong đời sống sinh hoạt (tăm tre, đinh, ốc vít, đồng xu…).
Trẻ em hay gặp nuốt phải dị vật là đồ chơi, đồng xu. Người lớn hay gặp hóc xương cá, xương trong bát canh, thường trong hoàn cảnh bất cẩn như khi ăn không nhai kỹ, nuốt vội, húp cả bát canh...
Nam giới khi uống rượu-say rượu cũng dễ bị hóc xương, hóc dị vật. Có người say rượu còn không nhớ nổi mình đã ăn gì, chỉ khi thấy cổ sưng to, đau ngực, nuốt đau mới vào viện.
Có trường hợp hóc thuốc uống, viên thuốc còn cả bao do khi uống thuốc không để ý. Có trường hợp uống nước và hóc chính răng giả của mình, hóc tăm do thói quen ngậm sau ăn. Người cao tuổi cũng dễ bị hóc, trường hợp hay gặp là cả miếng thịt do các cụ không còn răng để nhai.
Theo bác sĩ, những tai nạn sinh hoạt như trên rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, gây thủng nội tạng chảy máu, gây áp xe hầu họng, áp xe trung thất, áp xe trong ổ bụng, áp xe tiểu khung, gây nhiễm trùng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Vì thế, khi bị dị vật người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời, đúng cách và chuyển ngay đến các cơ sở uy tín để được khám và kiểm tra, lấy bỏ dị vật, điều trị các thương tổn phối hợp: thủng thực quản, thủng ruột.