1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chẩn đoán chữa bệnh từ xa: Giải pháp giảm tải “triển vọng”

(Dân trí) - Không cần chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân vẫn được điều trị bằng phương pháp hiệu quả nhất từ các chuyên gia thông qua hệ thống Chẩn đoán chữa bệnh từ xa. Đây là hướng “triển vọng” giúp giảm tải ở bệnh viện tuyến trên, nâng cao tay nghề cho bác sĩ tuyến cơ sở.

Thông tin từ bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre, cho biết nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện này vừa cứu sống bệnh nhi Trương Thị Thúy An (5 tuổi, ngụ tại thành phố Bến Tre). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được do mắc bệnh tay chân miệng độ 4. Sự sống của bé An tựa “nghìn cân treo sợi tóc” bởi trình độ của các bác sĩ tại đây không thể đáp ứng được việc điều trị cho ca bệnh này. Nếu chuyển viện bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong bởi không thể tiến hành hồi sức tích cực trong lúc chuyển thương.

Thông qua hệ thống chẩn đoán chữa bệnh từ xa đang trong giai đoạn thử nghiệm, bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp với bệnh viện Nhi Đồng 1 và đề nghị được hỗ trợ chuyên môn. Trong cuộc hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia tại Nhi Đồng 1 đã tư vấn và hướng dẫn những phương pháp can thiệp hiệu quả nhất cho bệnh nhi. Kết quả sau một tuần điều trị bé Thúy An đã nhanh chóng bình phục và xuất viện trong niềm vui khôn xiết của gia đình.
 
Chẩn đoán chữa bệnh từ xa: Giải pháp giảm tải “triển vọng”
Hệ thống chẩn đoán chữa bệnh từ xa góp phần quan trọng giảm tải bệnh viện
 
Cùng với trường hợp của bé Thúy An, cuối năm 2011 thông qua hệ thống chẩn đoán chữa bệnh từ xa các bác sĩ tại bệnh viện Từ Dũ đã hỗ trợ bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai can thiệp kịp thời cứu sống trường hợp một thai phụ 27 tuổi bị chứng bệnh “tạng tiểu cầu nguyên phát” trên thai lưu 37 tuần tuổi.
 
Đây là hai trong số rất nhiều ca bệnh nguy kịch đã được bệnh viện tuyến dưới điều trị thành công nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống chẩn đoán điều trị bệnh từ xa. Trước những thành công trên, ngày 22/3, Sở Y tế và Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM chính thức công bố đưa vào vận hành hệ thống hiện đại này.

Hệ thống hoạt động liên tục 24/24 dựa trên thiết bị MCU (thiết bị hỗ trợ điều khiển hội nghị truyền hình đa điểm) và sử dụng đường truyền MegaWan. Bất cứ giờ nào trong ngày khi gặp ca bệnh khó, phức tạp, vượt quá khả năng chuyên môn các bác sĩ tuyến dưới có thể yêu cầu được tư vấn, hỗ trợ từ tuyến trên. Bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên, thông qua hệ thống này có thể xem trực tiếp hình ảnh của bệnh nhân hoặc hình ảnh từ các thiết bị chẩn đoán hình ảnh để tư vấn hướng giải quyết đúng đắn và chính xác cho ca bệnh.

Hiện, hệ thống được lắp đặt tại 3 bệnh viện hỗ trợ tại TPHCM đó là Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và các bệnh viện yêu cầu được hỗ trợ bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre), bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (TPHCM).

Việc kết hợp chẩn đoán điều trị này sẽ giúp tuyến cơ sở từng bước nâng cao trình độ và khả năng chuyên môn để xử lý ca bệnh khó, phức tạp, đặc biệt với những ca bệnh mà sự chuyển viện có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Vận hành thành công hệ thống sẽ góp phần điều trị những ca bệnh khó ngay tại tuyến y tế cơ sở hạn chế được số ca bệnh nặng chuyển viện lên tuyến trên góp phần giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân và giảm tải cho các bệnh viện tại TPHCM.

Tuy nhiên, ông Lê Trường Giang Chủ tịch Hội Y tế cộng đồng thành phố cho biết: “Dù đã chính thức vận hành nhưng hệ thống chẩn đoán điều trị bệnh từ xa vẫn chưa xây dựng được cơ sở pháp lý quy định quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đối với những ca bệnh được điều trị thành công hoặc thất bại. Đề nghị UBND thành phố, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông sớm ban hành cơ sở pháp lý để có quy chế hoạt động vận hành hệ thống hiệu quả nhất”.
 
Vân Sơn 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm