Cha mẹ tự rửa mũi cho con: Nguy cơ viêm tai giữa, sặc nước vào phổi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, có những phụ huynh rửa mũi cho bé không đúng, khiến trẻ bị viêm tai giữa khá nhiều hoặc sặc nước vào phổi, vô tình đưa vi trùng nguy hiểm vào cơ thể.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Phước Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế cho biết, thời gian qua, có tình trạng nhiều người lạm dụng việc rửa mũi, cho rằng rửa càng nhiều càng tốt.

Trong đó, có những trường hợp bệnh nhân vào viện vì biến chứng do tự ý mua thuốc trôi nổi, không có chỉ định về rửa mũi hoặc rửa sai cách.

Điển hình là trường hợp của một người đàn ông 35 tuổi, bị viêm mũi xoang cấp sau nhiễm siêu vi. Kể với bác sĩ, bệnh nhân cho biết đã mua bộ rửa mũi, gồm bình rửa mũi và các gói muối được điều chế sẵn.

Để rửa mũi, người đàn ông dùng 3 gói muối đổ trực tiếp vào bình rửa mũi, với suy nghĩ dùng nhiều sẽ mau lành bệnh hơn (thay vì chỉ sử dụng 1-2 gói muối như hướng dẫn). Sau khi tự làm bác sĩ tại nhà, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghẹt, chảy mũi và đau rát mũi nhiều hơn, nên đến bệnh viện cầu cứu.

Cha mẹ tự rửa mũi cho con: Nguy cơ viêm tai giữa, sặc nước vào phổi - 1

Bác sĩ Minh kiểm tra sức khỏe vùng mũi cho bệnh nhân (Ảnh: BV).

Bác sĩ Minh cho biết, hiệu quả của việc rửa mũi thế nào tùy thuộc vào bệnh lý, có phẫu thuật hay không, cách rửa mũi có đúng hay không (tư thế rửa, chọn lựa các bình có dung tích và áp lực phù hợp).

Kế đến, nghiên cứu cho thấy, nước máy là nguồn không an toàn, vì chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh viêm tai giữa cấp. Do đó, người dân được khuyến cáo không nên rửa mũi bằng nước máy, mà phải dùng nước nấu sôi để nguội.

Song song đó, nếu người dân tự ý sử dụng dung dịch rửa mũi có nồng độ muối cao hơn 7% sẽ gây tổn thương các vi lông mao trong mũi, rối loạn chức năng thanh thải dịch nhầy trong mũi. Nồng độ muối quá cao cũng dễ tạo ra tình trạng đau rát, cảm giác nóng bừng trong mũi.

Bên cạnh ảnh hưởng đến người lớn, các bác sĩ phân tích thêm, có những phụ huynh rửa mũi cho con em bằng dung tích bình không đúng, bóp với áp lực quá mạnh, dẫn đến việc nước chảy vào tai giữa qua vòi tai, gây viêm tai giữa khá nhiều cho con em.

Đặc biệt, khi cha mẹ rửa mũi cho con với tư thế nằm rửa không đúng sẽ gây nguy cơ sặc nước vào phổi, vô tình đưa vi trùng vào phổi gây viêm phổi, viêm phế quản…

Cha mẹ tự rửa mũi cho con: Nguy cơ viêm tai giữa, sặc nước vào phổi - 2

Phụ huynh đưa con đi nội soi vùng mũi ở TPHCM (Ảnh: BS).

Báo cáo ở Hội nghị thường niên Tai Mũi Họng 2024, tiến sĩ Nguyễn Nam Hà, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, việc rửa mũi bằng dung dịch phun sương cho thấy sự an toàn, hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh hô hấp.

Điều này đã được chứng minh ở một số nghiên cứu ở đại dịch Covid-19, khi nhóm được rửa mũi bằng dung dịch phun sương ngày 2 lần cho thấy có tỷ lệ mắc bệnh ít hơn nhóm không rửa mũi.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM chia sẻ, việc rửa mũi có hiệu quả trong điều trị bệnh lý viêm mũi xoang cũng như bệnh nhân sau phẫu thuật xoang.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng, để chọn những loại bình phù hợp và biết cách rửa mũi đúng đắn.