Cha mẹ cảnh giác con nghiến răng vì stress: Có thể gây biến dạng khuôn mặt

Biên Thùy

(Dân trí) - Theo bác sĩ nhi đồng, stress là nguyên nhân thường gặp, điển hình của tình trạng nghiến răng ở trẻ trong mùa thi cử. Nếu trẻ nghiến răng với mức độ nặng và thường xuyên có thể gây biến dạng khuôn mặt.

Nghiến răng là tình trạng khi các răng cọ sát với nhau khi trẻ thức hoặc ngủ, được lặp đi lặp lại nhiều lần mà không nhằm mục đích thực hiện chức năng sống (ăn, nhai, phát âm). Nghiến răng có thể xảy ra ban ngày hay ban đêm, có thể thấy ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào.

Đại diện khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) chia sẻ, thông thường, tình trạng nghiến răng của trẻ thường không được chú ý. Chỉ  khi tiếng ồn gây ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình, hoặc khi có kèm một vài triệu chứng "lạ", gia đình mới bắt đầu chú ý.

Cha mẹ cảnh giác con nghiến răng vì stress: Có thể gây biến dạng khuôn mặt - 1

Nghiến răng ở trẻ có thể xuất phát từ stress (Ảnh minh họa: BV).

Tình trạng nghiến răng lâu ngày có thể dẫn đến trẻ bị đau đầu, mòn hay mẻ răng, nứt, gãy men răng. Trẻ thường than đau răng khi ăn thức ăn nóng, lạnh, chua… Rộng hơn, trẻ có thể đau vùng hàm mặt, quanh tai, đau khớp thái dương hàm.

Về nguyên nhân, việc nghiến răng ở trẻ là biểu hiện của nhiều yếu tố tâm sinh lý phức tạp.

Nghiến răng có thể xuất phát từ yếu tố di truyền (một hoặc một vài cặp răng tiếp xúc quá mức gây khó khăn trong hoạt động ăn - nhai), yếu tố toàn thân (rối loạn dinh dưỡng, rối loạn tiết niệu, rối loạn nội tiết), rối loạn thần kinh trung ương (bại não).

Đáng chú ý, stress là nguyên nhân thường gặp, điển hình tình trạng nghiến răng ở trẻ tăng, nhất là trong mùa thi cử.

Nghiến răng phần lớn không gây biến chứng nghiêm trọng, nhưng nếu trẻ nghiến răng với mức độ nặng và thường xuyên có thể gây tổn thương răng, tổn thương xương hàm, gãy răng, rối loạn khớp thái dương hàm, đau nhức đầu, thậm chí biến dạng khuôn mặt...

Điều trị tình trạng nghiến răng, cha mẹ có thể can thiệp vật lý cho con (chườm đá, chườm ấm để giảm cảm giác đau do cơ hàm), tránh ăn đồ ăn cứng, đồ dai và uống nhiều nước mỗi ngày, ngủ đủ giấc. Trẻ cũng có thể được tập vật lý trị liệu cho vùng khớp thái dương hàm. Về tâm lý, cố gắng giúp trẻ loại bớt tình trạng căng thẳng hằng ngày.

Khi trẻ nghiến răng do stress, việc cha mẹ cần làm là hỗ trợ, giúp trẻ thư giãn trước khi đi ngủ. Có thể kể đến một vài cách như: hạn chế xem TV và các thiết bị điện tử trước khi ngủ; cho trẻ nghe nhạc êm dịu để thư giãn; cho trẻ tắm bằng nước ấm; kể những câu truyện cổ tích hay để bé đọc sách trước khi ngủ.

Song song đó, cần tìm ra nguyên nhân khiến cho trẻ căng thẳng, thông qua việc lắng nghe tâm sự của trẻ hoặc đến gặp các chuyên gia tâm lý khi cần.

"Nghiến răng ở trẻ thường không biểu hiện cấp tính. Nhưng cha mẹ vẫn cần lưu ý và đưa trẻ đến chuyên khoa răng hàm mặt để phòng ngừa các triệu chứng, đồng thời phối hợp với bác sĩ y khoa tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp", bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo.