Cậu bé 16 tuổi được "bóc" u ngực khủng nặng 3kg, mất 2/3 lượng máu cơ thể

Hồng Hải

(Dân trí) - Ca mổ khối u ngực "khủng" cho bệnh nhân chuyển ra từ TPHCM, bác sĩ đã phải truyền 3 lít máu, hơn 2/3 lượng máu cơ thể. "Tuy nhiên, bệnh nhi thể trạng gầy, có thể nói là gần như "thay máu" 100%"

Ngày 7/4, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông báo ca phẫu thuật đặc biệt, các bác sĩ đã xử lý thành công khối u thành ngực cực khủng, tăng sinh mạch máu nhiều cho bệnh nhân Nguyễn Minh Tú (sinh năm 2007, ở TPHCM).

Cậu bé 16 tuổi được bóc u ngực khủng nặng 3kg, mất 2/3 lượng máu cơ thể - 1

Bệnh nhi vượt qua ca phẫu thuật nhiều khó khăn, gần như thay máu toàn bộ cơ thể (Ảnh: H.Hải).

Ths.BS Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực - mạch máu thông tin, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai hôm 24/2, trong tình trạng có khối u khổng lồ lồng ngực, tăng sinh nhiều mạch máu.

Trước đó, từ năm 2018, khi đang học lớp 6, bệnh nhi được phát hiện có khối u 3-4cm ở vùng ngực, đã đi khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, chẩn đoán u mạch máu, chỉ theo dõi tiến triển.

Sau 4 năm, khối u to lên, bệnh nhân được đưa đến nhiều Bệnh viện ở TPHCM nhưng không có phương pháp điều trị tối ưu. Ảnh hưởng 2 năm Covid-19, việc theo dõi bị gián đoạn. Đến đầu năm 2023, khối u ngực to lên nhanh, căng đau, gây ảnh hưởng sinh hoạt, học tập của bệnh nhân.

Sau khi đi rất nhiều bệnh viện tại TPHCM, bệnh nhân được giới thiệu ra Bệnh viện Bạch Mai khám.

Cậu bé 16 tuổi được bóc u ngực khủng nặng 3kg, mất 2/3 lượng máu cơ thể - 2

Khối u kéo lệch lồng ngực, ăn rộng ra bả vai (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi cũng bất ngờ bởi một khối u khủng chiếm trọn một bên ngực, ăn rộng, xâm lấn ra xương bả vai, chèn ép vào thành ngực. Đặc biệt, khối u tăng sinh mạch máu rất nhiều, để xử lý sẽ có nguy cơ chảy máu ồ ạt", BS Khánh thông tin.

Cậu bé 16 tuổi được bóc u ngực khủng nặng 3kg, mất 2/3 lượng máu cơ thể - 3

Khối u được lấy ra có trọng lượng hơn 3kg (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Hơn nữa, việc nhiều bệnh viện lớn cũng e ngại xử lý ca bệnh này khiến ekip bác sĩ cũng rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo, bằng mọi phương tiện, vật lực điều trị cho bệnh nhân.

"Sau khi sinh thiết khối u lành tính, chúng tôi quyết tâm "còn nước còn tát". Với khối u tăng sinh mạch máu quá nhiều, nguy cơ chảy máu ồ ạt trong phẫu thuật rất cao, vì thế, các bác sĩ đã quyết định nút một số mạch trước ca phẫu thuật", BS Khánh nói.

Dù đã nút mạch, nhưng cuộc mổ trải qua nhiều khó khăn do máu chảy ồ ạt. Bệnh nhi được truyền đến 3 lít máu, hơn 2/3 lượng máu của cơ thể.

"Chúng tôi đã 3 lần phải tiếp máu. Chảy máu nhiều, nhưng như xông vào tổ kiến lửa, chúng tôi chỉ có thể tiến chứ không thể lùi, vừa mổ vừa truyền máu", BS Khánh nói.

"Với thể trạng bệnh nhi gầy, cơ thể chỉ khoảng 3-4 lít máu, nên có thể nói bệnh nhi phải "thay máu" 100% trong cuộc mổ. Nếu không phải là một bệnh viện đa khoa, dự trữ được lượng máu để cho ca mổ không dễ thực hiện", PGS Cơ đánh giá.

Sau ca mổ đầy khó khăn, các bác sĩ đã lấy ra được khối u thành ngực nặng hơn 3kg. Kết quả giải phẫu bệnh sau đó cho thấy là bệnh u mạch trong cơ, đây là tổn thương lành tính rất hiếm gặp, chiếm 0,7% các ca bệnh lành tính ở thành ngực.

Trên thế giới, một số trường hợp có khối u tương tự đã được báo cáo dưới dạng các ca lâm sàng, tuy nhiên, không ca nào ghi nhận khối u kích thước lớn như trường hợp này.

Cậu bé 16 tuổi được bóc u ngực khủng nặng 3kg, mất 2/3 lượng máu cơ thể - 4

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chúc mừng bệnh nhân được xuất viện (Ảnh: H.Hải).

Mẹ bệnh nhân cho biết, suốt 5-6 năm qua, gia đình luôn bồn chồn, lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên, luôn có cảm giác bất lực, tuyệt vọng vì không biết làm sao để chữa được cho con. "Trong lúc gia đình tuyệt vọng nhất trước nỗi đau của con, trước khối u mỗi ngày mỗi lớn, các bác sĩ đã động viên để chúng tôi có quyết tâm. Cảm ơn các bác sĩ đã cứu mạng con", chị xúc động nói.