Cậu bé 14 tuổi sáng chế thiết bị phát hiện nhanh ung thư

Minh Nhật

(Dân trí) - Thiết bị có độ chính xác hơn 99,5%, nghĩa là gần tương đương với các phòng thí nghiệm bệnh học, nhưng lại cho ra kết quả nhanh hơn khoảng 60.000 lần.

Mặc dù trông giống như một chiếc đèn pin nhưng LightIR, phát minh của cậu bé người Canada 14 tuổi Aaryan Harshith, một ngày nào đó có thể tác động lớn đến lĩnh vực y học.

LightIR về cơ bản là thiết bị đầu tiên có thể phát hiện ung thư theo thời gian thực, trong quá trình phẫu thuật.

Cậu bé 14 tuổi sáng chế thiết bị phát hiện nhanh ung thư - 1

Thiết bị LightIR giúp phát hiện ung thư

Aaryan Harshith cho biết, thiết kế của LightIR tương đối đơn giản. Nó sử dụng nguyên lý quang phổ, chiếu ánh sáng vào một vật thể và phân tích những thay đổi trong ánh sáng phản xạ lại.

Cụ thể, đầu dò của LightIR có một đi-ốt phát sáng và một cảm biến để thu nhận thông tin phản xạ lại. Dựa trên thông tin này, nó có thể xác định các tế bào vừa được chiếu sáng có phải là ung thư hay không.

“LightIR được chế tạo để phục vụ các bác sĩ phẫu thuật trên khắp thế giới, những người cần một cách nhanh hơn và chính xác hơn để phát hiện ung thư" - Aaryan Harshith chia sẻ.

Hiện nay, trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u, các bác sĩ phải thực hiện thêm bước lấy mẫu để mang đi xét nghiệm.

Do đó, khi được hoàn thiện, LightIR mang đến một giải pháp hiệu quả hơn rất nhiều.

Để chế tạo thiết bị của mình, cậu bé đã nhờ đến sự giúp đỡ của một chương trình mang tên Makerspace của Đại học Algonquin. Makerspace  được lập ra với mục đích giúp mọi người đưa ý tưởng của họ vào cuộc sống, với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyên dụng và chuyên gia trong ngành.

Cậu bé 14 tuổi sáng chế thiết bị phát hiện nhanh ung thư - 2

Matthew Jerabek, Quản lý chương trình Makerspace, nhận định LightIR là một trong những dự án triển vọng nhất mà ông từng tiếp nhận.

Tại Makerspace, các chuyên gia đã hỗ trợ cậu bé Aaryan Harshith trong việc xây dựng bảng mạch, đồng thời tạo ra các bản mẫu LightIR bằng nhựa, thông qua công nghệ in 3D.

Harshith đã thử nghiệm thiết bị của mình với các tế bào ung thư, do một trường đại học cung cấp và kết quả thật đáng kinh ngạc: Nó có độ chính xác hơn 99,5%, nghĩa là gần tương đương với các phòng thí nghiệm bệnh học nhưng lại cho ra kết quả nhanh hơn khoảng 60.000 lần.

Điểm hạn chế là tới thời điểm hiện tại, thiết bị này chỉ có thể phát hiện một số loại ung thư nhất định. Do đó, vẫn cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để đưa vào ứng dụng thực tế.