Cắt toàn bộ bàng quang bằng phương pháp nội soi phẫu thuật lớn - đường mổ nhỏ
(Dân trí) - Ngày 08/01/2021, khoa Ngoại Tiết niệu (B7) Bệnh viện 19-8 đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang cho bệnh nhân bị Ung thư bàng quang tái phát.
Đặc biệt, ca phẫu thuật đã được các phẫu thuật viên thực hiện bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng (Laparoscopic Surgery).
Bệnh nhân Nguyễn Văn C. 52 tuổi, phát hiện Ung thư niệu mạc vào đầu năm 2020. Bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ thận phải, niệu quản phải, chóp bàng quang. Lần này bệnh nhân đến Bệnh viện 19-8 tái khám với tình trạng tiểu máu toàn bãi kéo dài. Do ám ảnh về lần phẫu thuật mở với đường mổ lớn 11cm trên thành bụng, phải nằm viện 2 tuần, nên khi tái khám được bác sĩ chẩn đoán: Ung thư bàng quang tái phát, cần phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang, bệnh nhân C. đã vô cùng hoang mang và lo lắng.
"Tôi có tìm hiểu và được biết với tình trạng ung thư đường tiết niệu như của tôi là sẽ có chỉ định phẫu thuật cắt đi cơ quan bị ung thư. Tôi thì luôn tin tưởng vào chuyên môn của các bác sĩ và chấp nhận mọi phương án điều trị tối ưu được đưa ra. Nhưng thực sự thì lần mổ trước khiến tôi rất sợ hãi. Vết sẹo mổ cắt đi 1 bên thận niệu quản phải của tôi vẫn còn chưa mờ. Lần này bác sĩ cho chỉ định cắt toàn bộ bàng quang. Tôi cùng gia đình được động viên và đã chấp nhận tuân thủ chỉ định. Nhưng cũng không khỏi lo lắng vì nghe nói đây là một phẫu thuật lớn trong tiết niệu." - Bệnh nhân C. tâm sự.
Hiểu được nỗi lo lắng của bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện 19-8 đã tiến hành hội chẩn, đưa ra tất cả các phương án tối ưu nhất cho ca bệnh này. Cuối cùng, các bác sĩ đã thống nhất quyết định thực hiện cắt toàn bộ bàng quang cho bệnh nhân C. bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng.
Chiều ngày 8/1/2021, ca phẫu thuật đã được thực hiện. Trải qua 6 giờ phẫu thuật, bàng quang với những khối u rải rác trên bề mặt, là nguyên nhân gây tình trạng tiểu máu, đã được cắt bỏ toàn bộ. Niệu quản trái được đưa ra ngoài thành bụng để tiến hành chuyển lưu nước tiểu qua một đường ống nhân tạo chuyên dụng.
Thạc sĩ Bác sĩ Chuyên khoa II Mai Tiến Dũng, phẫu thuật viên chính thực hiện ca mổ cho biết: "Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang là một trong những phẫu thuật lớn của chuyên ngành Tiết niệu. Mục tiêu của phẫu thuật là phải cắt được cả khối bàng quang, tuyến tiền liệt, túi tinh, dây chằng niệu rốn. Là một trong những tạng lớn của vùng tiểu khung, nơi có rất nhiều cấu trúc quan trọng như mạch máu, thần kinh phức tạp. Nếu không xác định, phân lập chính xác và xử lý triệt để từng cấu trúc, sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho việc cầm máu cũng như dễ gây ra các tổn thương không mong muốn, trong đó nguy hiểm nhất là gây ra tổn thương trực tràng, là cấu trúc nằm ngay sau bàng quang.
Trong y văn Việt Nam cũng như thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp tổn thương trực tràng trong phẫu thuật bàng quang, gây ra biến chứng nặng nề với người bệnh, trở thành nỗi ám ảnh với các bác sĩ niệu khoa khi phải đối mặt với phẫu thuật lớn vùng bàng quang và tiểu khung. Với phẫu thuật mở, việc kiểm soát các tình huống xảy ra sẽ dễ dàng hơn cho phẫu thuật viên. Nhưng nắm bắt tâm tư của người bệnh, chúng tôi đã thực hiện việc cắt bàng quang bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng, chỉ thông qua 4 lỗ nhỏ trên bụng để đưa dụng cụ vào vị trí mổ bên trong, mà vẫn có thể thực hiện đầy đủ, chính xác mọi thao tác giống như bàn tay khéo léo của phẫu thuật viên mổ mở.
Ca bệnh này có đặc điểm là vừa trải qua mổ mở cắt toàn bộ thận - niệu quản phải, nên các cấu trúc ở cánh bên phải của bàng quang rất xơ dính, khó bóc tách và phân lập; ngoài ra do bệnh nhân chỉ còn mỗi một bên thận niệu quản trái, nên áp lực đặt ra cho phẫu thuật viên phải bảo vệ tối đa các cấu trúc là rất lớn, đồng thời cũng làm tăng độ khó của cuộc phẫu thuật lên một mức cao hơn."
Vì bắt đầu ca mổ vào buổi chiều muộn, nên tới tận 22 giờ đêm, mũi chỉ cuối cùng mới được khâu xong. Bệnh nhân được chuyển ra hồi sức sau mổ, rồi đưa về khoa Ngoại Tiết niệu theo dõi điều trị hậu phẫu. Các phẫu thuật viên vội vã trở về với gia đình trong buổi tối muộn ngày cuối tuần, khi nhiệt độ ngoài trời chỉ quanh 10 độ C.
Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy nói chuyện bình thường. Bệnh nhân và người nhà hết sức bất ngờ vì một phẫu thuật lớn mà chỉ để lại trên bụng vài vết mổ nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay.
Với tiến triển hồi phục nhanh như vậy, dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới đây.
Kỹ thuật nội soi ổ bụng (Laparoscopic Surgery) là một kỹ thuật tiên tiến được sử dụng trong phẫu thuật tiêu hóa, tiết niệu, sản phụ khoa. Qua 3-4 lỗ nhỏ được tạo ra ở một số vị trí nhất định trên thành bụng, những dụng cụ chuyên biệt sẽ được đưa vào vị trí phẫu thuật để tiến hành thao tác. Do không cần rạch rộng và bộc lộ lớn như phẫu thuật mở, lượng máu mất trong quá trình mổ sẽ ít hơn rất nhiều, người bệnh cũng sẽ phục hồi nhanh chóng và bớt đau hơn so với phẫu thuật mở truyền thống. Kỹ thuật nội soi ổ bụng giúp cho những phẫu thuật lớn (cắt bàng quang toàn bộ, cắt thận, cắt khối tá tụy...) không còn là nỗi ám ảnh và nỗi lo sợ cho người bệnh khi được chỉ định.
Khoa Ngoại Tiết niệu từ nhiều năm nay đã làm chủ được kỹ thuật nội soi ổ bụng tiết niệu. Những phẫu thuật như: nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản, nội soi cắt bướu tuyến thượng thận, nội soi cắt thận toàn bộ... đã được triển khai từ lâu với tỷ lệ thành công đạt 100%. Nay với phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang bằng nội soi, có thể nói, khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện 19-8 đã vươn lên một tầm cao mới trong việc nắm bắt và ứng dụng những kỹ thuật cao cấp nhằm phục vụ tốt nhất cho người bệnh không may mắc phải các bệnh lý của hệ thống tiết niệu.
_ThS Bs Trần Hoài Nam - Khoa B7_