1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cắt amidan: Nên hay không?

Nam Phương

(Dân trí) - Viêm amidan là bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Rất nhiều người bệnh đắn đo khi không biết có nên cắt amidan không?

Amidan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh ở thời điểm 4-10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.

Cắt amidan là một phẫu thuật nhằm lấy bỏ tổ chức amidan ra khỏi vùng họng. Đây là một trong những vấn đề phổ biến, rất hay được bệnh nhân đề xuất khi gặp bác sĩ đặc biệt là những người thường xuyên đau họng, ho, nuốt vướng… 

Cắt amidan: Nên hay không? - 1

Amidan bình thường và khi bị viêm (Ảnh: Mayoclinic).

Vậy có nên cắt amidan không?

Cắt amidan có lợi gì và thực hiện khi nào?

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết thủ thuật này giúp giảm tần suất viêm họng. Nó thường được thực hiện khi tần suất viêm họng kèm sốt trên 7 lần/năm hoặc trên 5 lần/2 năm liên tiếp.

Cắt amidan cũng làm mất mùi hôi nếu hôi do mủ bã đậu amidan, một số vi khuẩn có mùi hôi… Nó cũng được chỉ định trong một số trường hợp u lành amidan, ung thư amidan, hay khi amidan quá to gây cản trở đường thở, nuốt khó, gây ngủ ngáy, ảnh hưởng tới phát triển thể chất…

Những rủi ro khi cắt amidan

Cắt amidan là một can thiệp phẫu thuật nên có những nguy cơ như các phẫu thuật nói chung:

- Sốc thuốc tiền mê, gây mê…

- Chảy máu trong mổ, sau mổ…

- Tử vong: do tổn thương các mạch máu lớn (mạch cảnh), do sốc thuốc.

Theo PGS Đào, nếu đúng các biểu hiện mà người bệnh khó chịu thực sự do viêm amidan mạn tính, thì thường sau cắt amidan biểu hiện khó chịu của người bệnh so với trước khi cắt sẽ diễn biến như sau: 

- 80% các triệu chứng sẽ hết.

- 15% vẫn không thay đổi.

- 5% nặng lên do mất hàng rào bảo vệ của vùng họng.

Cắt amidan được tiến hành như thế nào?

Amidan sẽ được lấy ra khỏi vị trí của nó (họng miệng) bằng các dụng cụ khác nhau như dao điện đơn cực - lưỡng cực, dao plasma, dao laser…

Bệnh nhân cần lưu ý khi sau khi cắt amidan

- Uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ.

- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ gối cao đầu.

- Nên dùng các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước.

- Không nên ăn đồ chua cay, nóng, cứng vì có thể gây trầy xước vết mổ và làm chảy máu.

- Nên đến bác sĩ tái khám hoặc khi có vấn đề bất thường (sốt, chảy máu nhiều...).

Khi bị viêm amidan, người bệnh nên đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị hoặc chỉ định cắt nếu cần thiết. Không phải trường hợp nào cũng cần cắt amidan. 

Cắt amidan là một trong những phẫu thuật phổ biến và không quá phức tạp, tuy nhiên để đảm bảo tính an toàn, người bệnh cần lựa chọn các cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện chuyên môn, uy tín.