Cấp mới BHYTTN: Nhiều thay đổi

(Dân trí) - Sau một thời gian tạm ngưng cấp mới bảo hiểm y tế tự nguyện, trong tháng 3 này, liên bộ Y tế và Tài chính sẽ hoàn tất sửa đổi Thông tư để triển khai tiếp tục cấp mới thẻ. Tuy nhiên, rất có thể quyền lợi của rất nhiều bệnh nhân - những người thực sự cần BHYTTN - bị ảnh hưởng.

Thay đổi là cần thiết?

 

Ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng Ban bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ ra những nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng bội chi 1.000 tỷ đồng BHYTTN trong năm 2006. Cụ thể, năm 2006, số chi là 1.500 tỷ đồng, trong khi đó, nguồn thu lại của quỹ BHYTTN chỉ đạt khoảng 500 tỷ. “Vỡ quỹ” quá lớn, buộc BHYTTN phải dừng cấp thẻ mới để có những điều chỉnh hợp lý hơn. Ngoài ra, giá các dịch vụ y tế hiện cũng tăng quá cao so với khả năng chi trả của BHYTTN.

 

“Mức chi trả của BHYTTN là quá lớn, nếu để hưởng những quyền lợi như hiện nay, người tham gia BHYTTN phải đóng khoảng 450.000đ/năm. Nhưng trước đó, mức đóng của người tham gia loại hình bảo hiểm này chỉ là từ 120 - 160.000đ/năm”, ông Thiết cho hay.

 

Ngành BHYTTN chưa có khả năng kiểm soát người mua vào, quy định còn sơ hở ở nhóm đối tượng hội đoàn thể, thân nhân người lao động, dẫn đến tình trạng chỉ người có bệnh mới tìm mua BHYTTN, gây mất cân đối giữa thu và chi. Do đó, nội dung điều chỉnh Thông tư liên tịch 22/2005/TTLT-BYT-BTC sẽ hướng tới:

 

- Triển khai thu hút số đông người khoẻ mạnh tham gia.

 

- Tăng cường khả năng kiểm soát đầu vào.

 

- Khống chế tỷ lệ người mua trong cộng đồng.

 

- Xem xét lại đối tượng hội đoàn thể, thân nhân người lao động. Thay vì quản lý theo các nhóm đối tượng thành viên gia đình, học sinh, sinh viên, hội viên hội đoàn thể và thân nhân người lao động như trước đây, đối tượng mua BHYTTN sẽ tập trung vào 2 nhóm học sinh, sinh viên theo trường và người dân theo địa bàn hành chính.

 

- Điều chỉnh tăng mức đóng.

 

Người dân có được lợi?

 

Trên thực tế, theo nội dung chưa sửa đổi thì nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa không mua được BHYTTN chỉ vì một lý do đơn giản: tỷ lệ người mua BHYTTN không đủ 10% số hộ gia đình trong xã nên đại lý bảo hiểm không bán thẻ. Thậm chí, nhiều bệnh nhi trên 6 tuổi cũng không có thẻ BHYTTN do không có đủ tỷ lệ 15% học sinh trong trường tham gia mua BHYTTN.

 

Nếu tới đây, Thông tư 22 được điều chỉnh theo hướng nâng cao tỷ lệ người mua BHYTTN trong một cộng đồng, thì rất có thể số bệnh nhân bị bệnh trọng không có cơ hội mua BHYTTN sẽ còn nhiều hơn nữa.

 

Đặc biệt với những bệnh nhân mãn tính, những thay đổi về BHYTTN sẽ làm họ càng khó khăn hơn để có được quyền lợi từ loại hình bảo hiểm này. Như tại khoa Điều trị Hemophilia, chuyên điều trị cho những bệnh nhân máu không đông, rất nhiều gia đình trở nên kiệt quệ vì căn bệnh quái ác này. Ths Nguyễn Thị Mai, Phụ trách Khoa Điều trị Hemophilia chia sẻ, hầu hết bệnh nhân đều có BHYT mới có thể duy trì điều trị, còn những người không có bảo hiểm y tế thì họ chỉ đến khám một vài lần, sau đó không trở lại hoặc chỉ điều trị cầm chừng… do chi phí điều trị quá cao. Nếu những quy định mới của BHYTTN tập trung thu hút số đông người khỏe mạnh tham gia, thì liệu cơ hội dành cho những người mắc bệnh mãn tính có bị bó hẹp?

 

BHYTTN chỉ có thể tồn tại và phát huy hiệu quả dựa trên quy luật số đông bù số ít, người khoẻ mạnh hỗ trợ người đau yếu. Tuy nhiên, đứng trước vấn đề then chốt là vận động, thu hút được số đông người khoẻ mạnh trong cộng đồng tham gia mua BHYTTN, ngành bảo hiểm xã hội tỏ ra khá bị động.

 

Theo thống kê, hiện tại, mới chỉ có 3 triệu người tham gia mua BHYTTN trên tổng số khoảng hơn 40 triệu người thuộc nhóm đối tượng này. Và câu hỏi đặt ra là:

 

- Làm sao để hơn 37 triệu người còn lại thấy được quyền lợi của bản thân và quyền lợi cộng đồng khi tham gia mua BHYTTN?

 

- Mức đóng mới đề ra có phù hợp với thu nhập của số đông để đẩy mạnh nhóm người mua bảo hiểm?

 

- BHVN sẽ có những biện pháp tuyên truyền nào để thu hút số đông người khỏe mạnh tham gia bảo hiểm?

 

- Những biện pháp trước mắt dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

 

“Chúng tôi phải đợi thông tư hướng dẫn cụ thể rồi sẽ tính đến những biện pháp tuyên truyền, đẩy mạnh số người tham gia BHYTTN”, ông Thiết nói. Như vậy, để biết chính xác việc tham gia như thế nào, quyền lợi ra sao… người dân vẫn còn phải chờ. Những sửa đổi đối với Thông tư 22 nói trên là rất cần thiết để đảm bảo BHYTTN tránh rơi vào tình trạng “vỡ quỹ”, nhưng nếu số người tham gia không thay đổi thì vô hình trung, quyền lợi của rất nhiều bệnh nhân - những người thực sự cần BHYTTN sẽ bị ảnh hưởng.

 

Hồng Sam