1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Nam:

Cấp cứu thành công 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nặng

Công Bính

(Dân trí) - Hai bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trong tình trạng nguy kịch đã được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam điều trị can thiệp cấp cứu thành công.

Ngày 4/2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho hay, bệnh nhân H.Đ.H. (nam, 51 tuổi, trú huyện Núi Thành, Quảng Nam), nhập viện cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng đau thượng vị dữ dội, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn, huyết áp tụt 70/40 mmHg, SpO2 giảm 85%, nhịp tim nhanh 145 lần/phút.

Kết quả điện tâm đồ và các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên, biến chứng choáng tim và rối loạn nhịp nhanh. Bệnh nhân nhanh chóng được hội chẩn chụp động mạch vành cấp cứu kết hợp dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp và các thuốc cấp cứu khác.

Kết quả chụp động mạch vành cho thấy tắc hoàn toàn động mạch vành phải, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân được can thiệp cấp cứu, nong bóng và đặt stent động mạch vành (P). Tổng thời gian thủ thuật, gồm chuẩn bị, chụp, can thiệp nong và đặt stent động mạch vành cấp cứu bệnh nhân là 19 phút.

Sau can thiệp cho kết quả tốt, theo dõi liên tục cho thấy bệnh nhân giảm nhanh triệu chứng, ổn định huyết áp 130/80 mmHg, nhịp tim về bình thường 85 lần/phút, dừng thuốc vận mạch sau can thiệp 6 giờ. Bệnh nhân xuất viện sau 5 ngày trong tình trạng sức khỏe tốt, hoàn toàn không còn triệu chứng.

Cấp cứu thành công 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nặng - 1
Hình ảnh chụp động mạch vành của bệnh nhân H.Đ.H cho thấy tắc hoàn toàn động mạch vành phải (A) và hình ảnh tái thông hoàn toàn sau nong bóng và đặt stent (B).

Bệnh nhân thứ 2 tên L.V.T. (nam, 52 tuổi, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), không có tiền sử bệnh lý tim mạch, trước khi nhập viện 4 ngày có xuất hiện đau ngực sau xương ức từng cơn. Vài giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột đau ngực dữ dội kèm buồn nôn, vã mồ hôi, chân tay lạnh, khó thở.

Tại thời điểm nhập viện cấp cứu, bệnh nhân được ghi nhận nhịp tim chậm 38 lần/phút, huyết áp tụt 80/60 mmHg, SpO2 giảm 80%, ST chênh lên và block nhĩ thất cấp 3 trên điện tâm đồ. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên, biến chứng choáng tim, rối loạn nhịp chậm.

Gia đình được giải thích về tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao, gia đình đồng ý chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu. Bệnh nhân được dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp, các thuốc cấp cứu nhồi máu cơ tim và nhanh chóng được chuyển vào phòng can thiệp.

Cấp cứu thành công 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nặng - 2
Bộ máy tạo nhịp tim tạm thời (A) và điện cực tạo nhịp tim đã được đặt ở trong tim để tạo nhịp tim cần thiết cho sự sống.

Bước đầu, bệnh nhân được đặt 1 máy tạo nhịp tim để tạm thời để duy trì nhịp tim cần thiết cho sự sống. Sau khi đặt máy tạo nhịp, bệnh nhân được chụp động mạch vành ngay sau đó, kết quả cho thấy tắc hoàn toàn động mạch vành (P).

Động mạch vành bị tắc nhanh chóng được nong bóng và đặt stent để hồi phục dòng máu nuôi cơ tim. Tổng thời gian chụp và can thiệp nong, đặt stent động mạch vành là 26 phút. Sau can thiệp, bệnh nhân giảm đau ngực nhiều, hết mệt, huyết áp ổn định 120/80 mmHg, hết khó thở, nhịp tim trở về bình thường 65 lần/phút. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày điều trị với sức khỏe tốt, hoàn toàn không có triệu chứng.

Ngày 4/2, hai bệnh nhân trên đã được xuất viện về nhà.

Cấp cứu thành công 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp nặng - 3
Hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch vành phải (A) và hình ảnh sau khi được tái thông (B) ở bệnh nhân L.V.T.

Với sự chẩn đoán nhanh, chính xác, điều trị xử trí cấp cứu ban đầu hợp lý kết hợp với tiến hành can thiệp động mạch vành nhanh chóng, tái thông hoàn toàn mạch vành trong thời gian ngắn, cả hai bệnh nhân với chẩn đoán ban đầu là nhồi máu cơ tim cấp với các biến chứng nặng nề đã hồi phục hoàn toàn trong thời gian rất ngắn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khoa, khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, người tham gia can thiệp trực tiếp cho 2 bệnh nhân nhận định: "Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những bệnh lý cấp cứu tim mạch nặng, nguy cơ tử vong cao, nhiều di chứng về sau, đặc biệt là đối với những bệnh nhân đã có biến chứng choáng tim, rối loạn nhịp, hoặc các biến chứng nặng khác".

Theo bác sĩ Phan Tấn Quang - Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch, với sự tiến bộ của tim mạch can thiệp, ngày nay các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có thể được can thiệp nhanh chóng, giảm gánh nặng tử vong và bệnh tật, tránh được mổ tim hở và các biến chứng của nó, thời gian từ lúc nhập viện đến khi mở thông mạch máu ngắn, giảm thiểu hoại tử tế bào cơ tim, giúp tim hồi phục rất nhanh và rút ngắn thời gian nằm viện.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt kỹ thuật này bệnh viện cần có các trang thiết bị can thiệp hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu, có kinh nghiệm trong can thiệp tim mạch cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa quan trọng khác như cấp cứu, hồi sức và gây mê.

Cũng theo bác sĩ Quang, để giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, tránh hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường cũng giúp phát hiện và điều trị sớm bệnh lý động mạch vành, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng của nó.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm