Cấp cứu nam thanh niên với vết thương thấu ngực, dị vật cắm sâu trong phổi

Tú Anh

(Dân trí) - Nam bệnh nhân 29 tuổi ở Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu trong tình trạng dao nhọn cắm trong vết thương.

Ngày 6/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về ca bệnh nguy kịch được cấp cứu thành công.

Nam bệnh nhân D.T.Đ. (29 tuổi, Hà Nội) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng da niêm mạc nhợt nhạt, khó thở và lưỡi dao còn cắm trong vết thương, sâu trong phổi.

Người nhà bệnh nhân cho biết, khoảng 1h sáng cùng ngày, bệnh nhân bị một người khác dùng dao nhọn đâm vào lưng từ phía sau, gây mất máu nhiều.

Bệnh nhân được sơ cứu tại Trung tâm y tế, sau đó được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vào giờ thứ 2 sau tai nạn.

Bệnh nhân ngay lập tức được điều trị giảm đau, thở oxy, bù dịch. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực xác định, dị vật kim khí xuyên thấu cơ vùng lưng, đâm sâu vào phổi gây tràn khí - tràn máu khoang màng phổi.

Cấp cứu nam thanh niên với vết thương thấu ngực, dị vật cắm sâu trong phổi - 1

Hình ảnh lưỡi dao cắm sâu trong phổi người bệnh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bác sĩ đánh giá, tổn thương của bệnh nhân rất nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến suy hô hấp, sốc mất máu, thậm chí tử vong nếu không được xử trí sớm.

Ngay lập tức, các bác sĩ thực hiện ca mổ rút dị vật, khâu nhu mô phổi bị tổn thương, lau rửa, dẫn lưu khoang màng phổi, hút liên tục và khâu vết thương. Sau mổ tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, tỉnh táo, tự thở, không bị sốc. Hiện bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại khoa hồi sức ngoại khoa.

Bác sĩ Lê Kiều Trang, Khoa Cấp cứu cho biết, vết thương ngực có thể xuất hiện trong nhiều tình huống. Trong đó, vết thương xuyên thấu do dao hoặc vật sắc nhọn thường để lại những hậu quả nghiêm trọng, khiến người bệnh mất máu nặng, gây sốc, gây tổn thương phổi...

Bệnh nhân có nguy cơ thủng phổi, tràn khí, tràn máu khoang màng phổi; chèn ép trung thất và phổi lành, dẫn đến suy hô hấp hoặc ngạt, nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế kịp thời và can thiệp phẫu thuật đúng cách, tỷ lệ sống sót có thể tăng lên 80-90%, ngay cả trong các trường hợp nặng.

Các bác sĩ lưu ý, khi không may gặp các vết thương do vật sắc nhọn đâm vào, tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra ngoài, đặc biệt khi dị vật lớn, xuyên sâu hoặc nằm ở các khu vực nguy hiểm.

Việc rút dị vật sai cách có thể khiến máu chảy ồ ạt, gây tổn thương thêm các mô xung quanh và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngay khi có vết thương dị vật cắm vào cơ thể, nên thực hiện sơ cứu theo các bước sau:

- Băng kín vết thương:

Dùng tay ép nhẹ mép vết thương sát với dị vật để hạn chế tổn thương lan rộng.

Đặt gạc hoặc vật liệu mềm xung quanh dị vật: Đảm bảo cố định tốt mà không làm dị vật xê dịch.

Dùng vành khăn cố định dị vật: Đặt vành khăn hoặc vật tương tự lên vùng vết thương, sau đó băng kín lại để bảo vệ dị vật.

- Chuyển đến cơ sở y tế: Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được xử lý chuyên sâu.