Cao điểm cúm A: Bố mẹ nóng ruột chờ nhận kết quả xét nghiệm của con
(Dân trí) - Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều gia đình mang con đến xét nghiệm cúm A, sau khi con sốt cao nhiều ngày không đỡ, kèm theo ho, sổ mũi. Các bệnh nhi chủ yếu đều trong độ tuổi từ 2 đến 5.
Theo các chuyên gia, thời điểm hiện tại là giai đoạn cao điểm của dịch cúm A. Trẻ nhỏ, với hệ miễn dịch phát triển chưa đầy đủ, sức đề kháng kém nên là đối tượng có nguy cơ mắc cúm cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tuần tiếp nhận 100 - 130 bệnh nhi mắc cúm.
Ảnh hưởng của đỉnh điểm cúm mùa đến trẻ em được thể hiện rõ nét qua thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ghi nhận tại cơ sở y tế này vào chiều ngày 25/12, có rất đông gia đình đưa con đến thăm khám, dẫn đến tình trạng nhiều bãi gửi xe trong bệnh viện kín chỗ. Cảnh đông đúc này cũng diễn ra tại Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, một điều dễ hiểu khi đây là nơi trực tiếp khám và điều trị cúm A.
Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, nhiều gia đình mang con đến đây để xét nghiệm cúm A sau khi con sốt cao nhiều ngày không đỡ, kèm theo ho, sổ mũi. Các bệnh nhi chủ yếu đều trong độ tuổi từ 2 đến 5.
Chị N.T.H mẹ của một bệnh nhi 5 tuổi chia sẻ: “Con tôi bị ốm từ cách đây 3 hôm, sang ngày thứ 2 thì cháu sốt cao cả nhà lo qua, lại nghe đang có dịch nên hôm nay đem cháu lên viện xét nghiệm thì đúng là cháu bị cúm A”. Cũng theo vị phụ huynh này, lúc vừa bị ốm bé có các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi.
Nhà ở khu vực Hà Đông nhưng con bị sốt cao vào đúng cao điểm mùa cúm nên cả gia đình anh N.M.H hôm nay cũng khăn gói lên Bệnh viện Nhi Trung ương từ sáng sớm. “Cháu nhà mình 5 tuổi bị đau bụng và mệt trong người suốt 1 tuần nay nhưng đến tối hôm qua thì đột nhiên sốt cao, ho và buồn nôn nên sáng nay cả nhà phải tức tốc đem cháu lên viện Nhi, sau khi xét nghiệm mới biết cháu bị cúm A.” – Anh N.M.H kể về trường hợp của gia đình mình.
Ông bố trẻ này cũng chia sẻ rằng, khi vào mùa lạnh gia đình bảo vệ sức khỏe cháu rất kỹ, đi đâu cũng mặc ấm và bịt khẩu trang nhưng có lẽ cháu bị lây bệnh từ các bạn cùng lớp. “Vào mùa cúm, gia đình cũng rất lo cháu sẽ bị lây bệnh từ các bạn cùng lớp nhưng chẳng lẽ lại không cho cháu đi học.” – Anh N.M.H bộc bạch.
Tại khu vực phòng chờ, nhiều gia đình đang đợi kết quả xét nghiệm cúm A của con đều không giấu nổi tâm trạng lo lắng trên nét mặt. Đứng ngồi không yên trong phòng chờ, liên tục tra các biểu hiện cúm A trên mạng để đối chiếu với biểu hiện của đứa con 3 tuổi, trước khi nhận kết quả chính thức từ bác sĩ là hình ảnh của vợ chồng chị N.K.H. Hỏi thăm thì được biết, cháu nhà chị đã sốt cao được 3 ngày và đều ở ngưỡng 40 độ, xem báo đài thì hay đang mùa cúm A nên quyết định đem cháu từ quê lên đây thăm khám.
Cũng có cháu nhỏ bị mắc cúm A nhưng tâm trạng thoải mái hơn vì cháu đã được chữa khỏi và đang chờ làm thủ tục xuất viện, bác M.V.H chia sẻ với chúng tôi: “Cháu tôi được 23 tháng ở với bố mẹ nó ở Định Công, cách đây mấy hôm cháu bị ốm kèm ho mẹ cháu nghĩ là ốm thông thường nên tự mua thuốc điều trị nhưng sau hai hôm thì thấy tình trạng không thuyên giảm, sau đó cháu bị co giật cả nhà sợ quá nên đem đến Bệnh viện Nhi Trung Ương khám thì ra kết quả bị cúm A, biết tin cháu nhập viện tôi tức tốc đi từ quê lên chăm cháu. Cũng may sau 3 ngày được các bác sĩ điều trị thì cháu đã hết bệnh".
Theo Cục Y tế Dự phòng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng chống cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan; khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang.
Các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vắc- xin phòng bệnh cúm với các chủng đã có vắc- xin cũng rất hiệu quả để phòng lây lan cúm, được Bộ Y tế khuyến khích.
Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); Người trên 65 tuổi.
Minh Nhật