Cánh tay biến dạng được hồi phục nhờ công nghệ 3D
(Dân trí) - Không ít người bệnh, đã tốn hàng chục năm, với nhiều lần phẫu thuật để tìm lại cánh tay bình thường, sau thoái hóa khớp nặng. Nhưng với công nghệ 3D tại Vinmec, cuộc sống của nhiều người dần bước sang một trang mới.
Dựng mô hình 3D, "may đo" cho từng ca mổ
Tháng 10/2021, bà Tạ Thị Vượng (62 tuổi, ở Hà Nội) bị ngã, dẫn đến gãy đầu xương cánh tay trái. Sau 2 lần mổ, cánh tay bà vẫn đau buốt, tê bì vùng cẳng bàn tay, đưa tay lên xuống khó khăn.
Khi bà Vượng đến khám tại Vinmec, qua phim chụp MRI, các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (CTCH và YHTT) Vinmec nhận định đây là một ca bệnh rất khó. Sau 2 lần kết hợp xương không thành công, cùng tình trạng thoái hóa ở người già, xương cánh tay của bà Vượng bị tiêu, mủn do không được nuôi dưỡng.
Với ca mổ này, mấu chốt là phải tính toán chuẩn vị trí cắt xương để đặt khớp mới, sau đó chế tạo được khớp mới trùng khớp với kích thước và đặc điểm của trục cánh tay thật, từ đó giảm thiểu biến chứng, trả lại chức năng cho cánh tay và giữ cho khớp nhân tạo ổn định lâu dài.
Để có lời giải cho bài toán khó này, ekip phẫu thuật chi trên - Trung tâm CTCH và YHTT Vinmec đã cùng Trung tâm công nghệ 3D trong y học - Đại học VinUni dựng lại mô hình khớp 3D trên máy tính để quan sát và mổ thử trên mô hình. Đây là phương pháp giúp các bác sĩ tính toán điều chỉnh các điểm cắt, ghép xương phù hợp. Kết quả sau cùng sẽ được in 3D, làm ra mẫu xương có kích thước và đặc tính như xương của bệnh nhân, từ đó tiên lượng bám sát với khả năng phục hồi và vận động sau mổ.
"Đúng như phân tích đánh giá, khi ekip mổ bộc lộ theo sẹo mổ cũ, một nửa khối xương lồi cầu cánh tay đã bị tiêu mất, khớp khủyu không còn nguyên vẹn. Ca mổ dù phức tạp và kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ nhưng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nên không có sự cố bất ngờ xảy ra", TS.BS Nguyễn Hữu Mạnh, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên, Bệnh viện Vinmec Times City cho biết.
Hơn một tháng sau ca mổ, bà Vượng đang trong quá trình phục hồi chức năng tích cực. Bác sĩ tiên lượng bà cần từ 3-6 tháng để phục hồi hoàn toàn cơ năng của cánh tay đã thay khớp. Tuy nhiên, ở lần mổ này, bà cảm nhận rõ những thay đổi tích cực. "Tôi không còn cảm giác đau buốt, đau nhói mà đôi khi chỉ là cảm giác mỏi. Cánh tay hiện đã có thể đưa lên chải đầu, đánh răng, cầm điện thoại được", bà Vượng cho biết.
Nhân rộng phương pháp thay khớp khủyu bằng công nghệ 3D
Nếu như thay khớp gối hiện đã thực hiện thường quy ở nhiều nơi thì thay khớp khủyu tay ở Việt Nam phát triển muộn hơn và ít bệnh nhân hơn do đặc thù bệnh lý không phổ biến. Những ca thay khớp khủyu đầu tiên của Vinmec được GS.TS Trần Trung Dũng cùng các đồng nghiệp thực hiện từ năm 2018. Chìa khóa là sử dụng phần mềm 3D mô phỏng tính toán thông số khớp phù hợp với bệnh nhân; in 3D các khớp giả bằng kích thước thật với kỹ thuật ánh xạ giải phẫu (sử dụng các thông số cơ thể ở bên lành để phục hồi cho bên tổn thương).
Sau phẫu thuật, hơn 10 trường hợp được mổ đều phục hồi chức năng khớp khủyu khá tốt.
Đơn cử trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi), sau di chứng của một chấn thương nặng, chị từng 4 lần mổ bằng các phương pháp từ kết hợp xương, ghép xương, đặt xi măng xương, mổ gỡ dính làm vận động khủyu nhưng cải thiện không rõ rệt. Suốt thời gian dài, ngay cả cầm bát ăn cơm, chị cũng vô cùng khó khăn. Sau khi được thay khớp khủyu 3D cách đây 1,5 năm tại Vinmec, hiện các vận động gấp duỗi khủyu và sấp ngửa của cánh tay của chị Hoa gần như hồi phục.
Với chị Dư Thu Thủy 34 tuổi, ở Hà Nội, ca mổ thay khớp khủyu đã giúp chị mở ra trang mới cho cuộc sống. Từng bị di chứng do viêm khớp lúc nhỏ, cẳng tay trái biến dạng, khủyu tay cứng đờ khiến chị không thể gấp duỗi sấp ngửa được. Sau 5 lần phẫu thuật, từ khủyu tay trở xuống của người phụ nữ xinh đẹp và cá tính này vẫn co quắp, biến dạng và nhỏ như tay một em bé. 26 năm trời đi từ Bắc vào Nam, chị Thủy từng sang cả nước Anh cũng không tìm được giải pháp.
Với ca mổ thay khớp mà GS.TS Trần Trung Dũng trực tiếp cùng các cộng sự chuẩn bị gần một tháng, hiện cánh tay của chị Thủy đã vận động dần tốt lên.
"Công nghệ in 3D là một trợ thủ giúp nâng cao độ chính xác trong phẫu thuật. Sau mổ, người bệnh vẫn gập duỗi được tối đa, cử động xoay cánh tay sấp ngửa linh hoạt. Do đó, khớp nhân tạo vẫn mang lại giá trị cao", GS. TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm CTCH và YHTT Vinmec cho biết.
Đại diện Vinmec cũng chia sẻ thêm, với công nghệ 3D và các kỹ thuật mới về phẫu thuật cá thể hóa, chỉ định thay khớp khủyu tay có thể áp dụng với nhiều trường hợp như thoái hóa khớp, gãy và ung thư xương. Đây là chìa khóa để giải các bài toán khó trong chấn thương chỉnh hình hiện nay và Trung tâm CTCH và YHTT Vinmec là một những đơn vị đã ứng dụng thành công kĩ thuật này.
Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, GS.TS Trần Trung Dũng và đồng nghiệp đã tổng kết các ca thành công trong cuốn sách "Phẫu thuật thay khớp khủyu" và một số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí y học nước ngoài như "The journal of orthopaedics trauma surgery and related research" (tháng 1/2020 và tháng 6/2021); "International Journal of Surgery Case Reports 86" (2021),...