1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm mùa hè

(Dân trí) - Bộ Y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng trong mùa hè làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa.

Ăn xôi để từ sáng tới trưa cũng đau bụng

Chị N.T.K. (Vĩnh Tuy, Hà Nội) sau cả chục lần đi ngoài ra nước, uống oresol liên tục mới bớt tình trạng tiêu chảy.

Cách đó hai hôm, buổi sáng chị có mua xôi xéo cho con ăn đi học. Phần còn thừa, chị để trên bàn ăn, trưa về lười nấu nướng, chị sẵn ăn luôn. Nào ngờ chỉ sau 30 phút ăn xôi, chị đau bụng quằn quại, đi ngoài liên tục. Chị uống đến cả vài gói oresol cả lít nước mà người vẫn mệt rũ.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm sẽ gia tăng do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, thức ăn ôi thiu do không được bảo quản đúng cách.

Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm mùa hè - 1
Trong những ngày nóng bức, thực phẩm dễ bị ôi thiu, gây ngộ độc.

Môi trường nóng, ẩm là yếu tố thuận lợi để các vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn sinh sôi và phát triển nhanh hơn. Kết quả tất yếu là thời tiết càng nóng, số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm càng tăng lên.

Có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, nhưng nguyên nhân thường gặp là do vi sinh vật (chủ yếu là ecoli), do các hoá chất, do thực phẩm có độc (các chất độc tự nhiên). Trong số những ca ngộ độc vi sinh vật, có tới 80,65% bắt nguồn từ thực phẩm là động vật. Đặc biệt ở các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm, như cá, sữa, hải sản… nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay, sau khi ăn bảo quản không cẩn thận… thì nguy cơ gây ngộ độc càng cao.

Có một thực tế nguy hiểm là nhiều bà nội trợ coi tủ lạnh là nơi chứa thực phẩm an toàn nhất. Thực tế không phải vậy. Tủ lạnh chỉ có tác dụng giữ tươi thực phẩm, làm hạn chế, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Nếu đưa nhiều đồ ăn, rau quả vào tủ lạnh sẽ khiến không khí trong tủ không thể lưu thông. Tủ không được vệ sinh thường xuyên, nước thịt, rau quả bị rớt trong tủ để lâu không lau sẽ là môi trường tốt để vi khuẩn phát triển…

Dưới đây là những biểu hiện cần nghĩ đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm để được can thiệp kịp thời:

Biểu hiện ngộ độc thực phẩm

BS Nguyên cho biết, người bị ngộ độc thực phẩm thường bị nôn, đi ngoài, làm người bệnh rất đau đớn, khó chịu. Nguyên nhân là do bị tụt huyếp áp, mất nước, mất muối, gây nhiễm trùng.

Biểu hiện cụ thể: Tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:

- Người bệnh chỉ có biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (đau bụng, nôn, ỉa chảy) có thể có các biểu hiện của mất nước (thường có khát nước), nhiễm trùng (thường có sốt). Những biểu hiện này thường là ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân do vi sinh vật.

- Các biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà ở các cơ quan khác ví dụ thần kinh, tim mạch,…, thực phẩm được biết là loại không có chất độc tự nhiên nguyên nhân thường do hoá chất.

- Bệnh xuất hiện sau khi ăn loại thực phẩm nhất định trong tự nhiên được biết có thể có độc tố: ví dụ sắn, măng, cá nóc, cóc,…thường do chính các loại thực phẩm này vốn có độc tố.

Ngộ độc thực phẩm trở nên nguy hiểm nếu bệnh nhân có các biểu hiện bệnh nặng ở đường tiêu hoá hoặc mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các biểu hiện như: 

- Các triệu chứng thần kinh: đặc biệt nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nói ngọng, tê, liệt cơ, co giật, đau đầu.

- Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.

- Có máu hoặc chất nhày trong phân, đái ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm), đau họng.

Ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, người có bệnh lý tim mạch…

Điều trị

Khi có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, tuỳ theo nguyên nhân gây ngộ độc.

Thông thường bệnh nhân được điều trị triệu chứng để giảm đau, chống nôn (khi người bệnh đã nôn quá nhiều). Người bệnh cần được bù nước, bù muối bằng oresol hoặc nước cháo muối. Cân nhắc và sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Tú Anh