Cảnh báo ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên
(Dân trí) - Năm nào tại các tỉnh miền núi phía Bắc cũng xảy ra các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên từ quả rừng, nấm rừng. Mới đây nhất, vụ ngộ độc quả hồng trâu ở Lào Cai khiến 9 trẻ nhập viện, một trẻ tử vong.
Đầu tháng 10/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận cùng lúc 8 trẻ từ 9-19 tuổi, được chuyển xuống từ Lào Cai do bị ngộ độc quả hồng trâu.
Người nhà các bệnh nhi cho biết, trước đó trưa 2/10, trên đường từ trường về nhà, một nhóm khoảng 16 em học sinh thấy quả dại trên đồi chín nên hái ăn. Khoảng 3 giờ sau ăn, các em xuất hiện tình trạng nôn, lơ mơ, mệt mỏi, choáng váng kèm đau bụng dữ dội.
Khi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn để cấp cứu, các bé được xử trí bằng gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu, nhuận tràng. Tuy nhiên, một bé diễn biến nặng và cấp tính đã tử vong. 8 trẻ còn lại được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm 3/10.
TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu Chống Độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngay khi tiếp nhận 8 trường hợp này, các bác sĩ đã tiếp tục được hỗ trợ chức năng sống, bù dịch, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, trợ gan và làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh (xét nghiệm máu, khí máu, chức năng gan thận, siêu âm tim, điện tim, độc chất..).
Trong quả hồng trâu có các chất Ankaloid, Axit Amin, Axit Cacboxylic, Flavonoid, Polyphenol… Alkaloid là độc tố chính chứa chính trong nhân hạt, tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch.
Khi ăn phải, độc tính này tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận…
Mới đây, tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình, khiến 7 người phải nhập viện điều trị, cấp cứu, do ăn củ rừng lạ nấu xương.
Theo thông tin của Sở Y tế tỉnh Lào Cai, ngày 26- 27/10 cả 3 gia đình ở xã Phong Hải và xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) mua loại củ rừng tại chợ Cốc Lầu và thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) về nấu canh xương.
Đây là loại củ có kích thước lớn (khoảng 0,5kg), bên ngoài có nhiều lông trông giống củ từ, mọc hoang dại trên rừng nên người dân thường gọi là củ từ rừng.
Khi ăn phải loại củ trên, các bệnh nhân thường có chung biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn kèm theo tê lưỡi và tê bì đầu ngón tay chân do đó phải nhập viện cấp cứu.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, năm nào cũng xảy ra các vụ ngộ độc độc tố tự nhiên. Tại Hà giang, trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên, với tổng số 18 người mắc, 3 người tử vong.
Trong đó, ở huyện Hoàng Su Phì xảy ra một vụ ngộ độc nấm; huyện Mèo Vạc 2 vụ ngộ độc quả hồng trâu; huyện Đồng Văn một vụ ngộ độc quả hồng châu. Như vậy, so với các năm trước tỷ lệ ngộ độc quả rừng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tập trung ở lứa tuổi học sinh từ 4-12 tuổi.
Ngay từ đầu năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành chủ động phối hợp triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, riêng đối với các địa phương thường xảy ra các vụ ngộ độc quả rừng như huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, các cán bộ Trung tâm Y tế đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn chủ động tích cực sáng tạo, đổi mới về hình thức tuyên truyền, các bài tuyên truyền bằng ngôn ngữ phổ thông được dịch sang tiếng Mông, họ mang theo loa phóng thanh cầm tay, đài Cassette lặn lội đến các điểm trường kết hợp với các thầy cô giáo tuyên truyền đến các cháu học sinh, đồng thời đến tận nương rẫy, thôn, bản tuyên truyền trực tiếp cho người dân về cách nhận biết và phòng tránh ngộ độc do độc tố tự nhiên như: nấm độc, ngô mốc, các loại quả rừng (quả hồng châu, quả chí chụa, quả mắc rạc, quả mỡ…) để từ đó giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc, tránh những thương vong đáng tiếc xảy ra.
Cục An toàn thực phẩm năm nào cũng đưa ra các khuyến cáo, đề nghị các Chi cục An toàn thực phẩm các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở bà con trước nguy cơ này, không ăn nấm rừng mọc hoang, quả dại trên rừng...