Cảnh báo kiểu ăn thúc đẩy mụn trứng cá, viêm da, ung thư

Hàng loạt cảnh báo về bệnh liên quan đến tình dục và ăn uống đã được giới chuyên môn đưa ra tại Hội nghị Khoa học Da liễu khu vực phía Nam.

Chế độ ăn "Westen diet" ngày càng phổ biến ở Việt Nam có thể khiến nhiều người tăng nguy cơ các bệnh về da, béo phì, tiểu đường và cả ung thư. Westen diet, tạm dịch là chế độ dinh dưỡng kiểu phương Tây đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước phương Đông khác nhờ tiện lợi, ngon miệng, giàu năng lượng.

Tuy nhiên, theo bài báo cáo mà tiến sĩ – bác sĩ Hà Nguyên Phương Anh (Phòng khám chuyên khoa Da liễu Đà Nẵng) trình bày tại Hội nghị khoa học Da liễu khu vực phía Nam thì chế độ ăn này làm tăng nguy cơ nhiều căn bệnh da liễu khó trị như mụn trứng cá, vảy nến, viêm da cơ địa…; nhóm bệnh không lây như béo phì, tiểu đường; và cả bệnh ung thư .

Tác động của các thực phẩm thuộc chế độ Westen diet lên cơ thể - ảnh do tác giả nghiên cứu cung cấp
Tác động của các thực phẩm thuộc chế độ Westen diet lên cơ thể - ảnh do tác giả nghiên cứu cung cấp

Theo tiến sĩ Phương Anh, chế độ ăn này khiến người dùng tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa và axit béo Omega 6, chủ yếu trong protein động vật (đặc biệt là thịt đỏ), sữa, các chế phẩm giàu leucine, thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, muốn, thực phẩm biến đổi gen, dầu thực vật tinh luyện, nhiều phụ gia, chất bảo quản. Westen diet là chế độ ăn giàu tinh bột, đường tinh chế, bánh kẹo, nước ngọt, thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn từ thực vật đã qua biến đổi gene hoặc chế biến quá kỹ…

Cách ăn uống như vậy lâu ngày dần tác động đến hệ vi khuẩn chí ruột, thông qua cơ chế mã hóa các tín hiệu chuyển hóa đến ruột, tích hợp với gene người và ảnh hưởng đến cả các thế hệ sau!

Đó là một trong các nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng vượt trội của các bệnh lý viêm và tự miễn (đa xơ cứng, lupus, viêm khớp dạng thấp, vảy nến…), giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng tỉ lệ bệnh ung thư, dị ứng, béo phì, tiểu đường type 2, các bệnh da liễu khác.

Đặc biệt, thịt đỏ đặc biệt giàu đường Neu5Gc, một loại đường bị khoa học xếp loại "non-human sugar", tức không phù hợp với con người, có thể thúc đẩy phản ứng viêm và tiến triển ung thư. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng khuyến khích con người nên ưu tiên nhóm thịt trắng khi tiêu thụ sản phẩm động vật, nhất là ưu tiên cá, vì những lý do trên và nhiều mục tiêu sức khỏe khác.

Tiến sĩ Phương Anh nhấn mạnh đến nhóm bệnh da liễu đang khiến người hiện đại ngày một khổ sở: mụn trứng cá, vảy nến, viêm da cơ địa… Cơ thể càng dùng nhiều những chất có trong chế độ ăn này nguy cơ các bệnh trên càng gia tăng, diễn tiến bệnh càng trầm trọng, khó điều trị.

Mới sinh ra đã mắc bệnh... tình dục!

Biến dạng xương – răng, mù lòa, điếc, sinh non… là những biến chứng đau lòng ở trẻ sơ sinh bị nhiễm giang mai bẩm sinh mà thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thùy, đến từ Bệnh viện Da liễu TP HCM, cảnh báo trong báo cáo tại Hội nghị Khoa học Da liễu khu vực phía Nam do bệnh viện này tổ chức.

Theo thạc sĩ Thanh Thùy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có tới 1,5 triệu ca giang mai trong thai kỳ xảy ra mỗi năm. Một thống kê khác do Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố vào năm 2016 cho thấy tỉ lệ giang mai bẩm sinh lên tới 15,7 trường hợp trên mỗi 100.000 ca sinh sống.

Ngoài những biến chứng nói trên ở trẻ giang mai bẩm sinh, rất nhiều trẻ đã không thể ra đời do khi mắc giang mai, thai phụ có nguy cơ cao bị sẩy thai, thai chết lưu.

Tỉ lệ giang mai bẩm sinh là 15,7 trường hợp trên mỗi 100.000 ca sinh sống - ảnh minh họa từ CNN
Tỉ lệ giang mai bẩm sinh là 15,7 trường hợp trên mỗi 100.000 ca sinh sống - ảnh minh họa từ CNN

Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng các đơn vị chuyên khoa như Bệnh viện Da liễu TP HCM mỗi năm vẫn tiếp nhận vài em bé bị nhiễm căn bệnh tình dục nguy hiểm này ngay từ khi chưa ra khỏi bụng mẹ. Có trường hợp thai phụ đã phát hiện bệnh từ trong thai kỳ và có điều trị dự phòng, có trường hợp trẻ sinh ra với đầy bóng nước bất thường, bong tróc da rải rác toàn thân, mẹ mới biết mình đã nhiễm giang mai.

Giang mai là một bệnh nhiễm trùng mạn tính đa cơ quan do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra, lây truyền theo 3 đường: đường tình dục, đường máu và lây từ mẹ sang con. Trẻ bị giang mai bẩm sinh khi mẹ bị bệnh và em bé đã nhiễm trùng từ mẹ khi còn là một bào thai.

Theo thạc sĩ Thanh Thùy, phụ nữ mắc giang mai trong vòng 4 năm đầu tiên nếu không được điều trị thì có nguy cơ lây nhiễm sang thai nhi đến 70%. Tuy nhiên, giang mai bẩm sinh hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng penicillin, rất rẻ tiền và hiệu quả. Nếu người mẹ được được dùng penicillin trước tam cá nguyệt thứ ba (tuần 28 của thai kỳ) thì nguy cơ con bị giang mai bẩm sinh sẽ được ngăn chặn tới 98%.

Vì vậy, phụ nữ tuổi sinh đẻ nên sớm khám và điều trị nếu có những biểu hiện của bệnh này, khi mang thai nên khám thai và kiểm soát tốt thai kỳ, bảo đảm an toàn tình dục, tuân thủ điều trị dự phòng khi phát hiện bệnh.

Có thể kiểm soát

Giang mai ngày nay đã trở thành một bệnh có thể điều trị và kiểm soát tốt, nhưng các chuyên gia y tế vẫn lo ngại bệnh này có thể hoành hành trở lại và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây, ngành y tế bang California (Mỹ) đã cảnh báo về sự gia tăng đột ngột của căn bệnh tình dục này trong những năm gần đây, có vùng trong bang California tăng đến 300% trong một thập kỷ. Có lẽ vì nó dễ được điều trị hơn xưa, cộng với nhiều căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như HIV cũng đã có thuốc, thậm chí sắp có vắc-xin, nên người dân bắt đầu tỏ ra lơ là với vấn đề an toàn tình dục, tạo cơ hội cho các căn bệnh cũ "tái xuất".

Theo Anh Thư

Người lao động